TP Hà Nội: Hiệu quả từ thu gom rác thủ công sang cơ giới hóa

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tốc độ đô thị hóa tăng cao, công tác thu gom rác thải sinh hoạt được dự báo “năm sau sẽ khó hơn năm trước”. Tuy nhiên, với quyết sách đầu tư mạnh mẽ vào phương tiện thu gom rác, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT) trên địa bàn Hà Nội đã có chuyển biến tích cực.

Công nhân Công ty Môi trường đô thị dọn vệ sinh tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoàng Hiệp
Hết cảnh “dở khóc, dở cười”

Thực tế cho thấy, trước đây, công tác thu gom rác thải, dọn dẹp VSMT trên các tuyến đường, đặc biệt tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa chủ yếu dựa vào sức người nên hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, từ khi UBND TP Hà Nội đưa ra quyết sách cơ giới hóa phương tiện thu gom rác, những bất cập trên đã từng bước được khắc phục, mang lại hiệu quả khả quan.
Từ việc đẩy mạnh công tác cơ giới hóa trong thu gom rác, Urenco đã giảm được 411 lao động, trong đó 55 lao động gián tiếp và 356 lao động trực tiếp. Đối với những lao động trên, một phần được đào tạo lại để sử dụng máy móc, phương tiện mới, một số được chuyển sang làm các công việc khác theo yêu cầu.

Phó Trưởng phòng Kinh doanh & Truyền thông Urenco Đào Đức Khánh

Theo chị Nguyễn Thu Hoài (phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội), công tác thu gom rác thải sinh hoạt trước đây phần lớn sử dụng xe đẩy thủ công, gia đình chị và người dân trong khu thường mang rác để ở đường, đầu ngõ phố trông rất nhếch nhác, mất vệ sinh. Thế nhưng, từ khi công ty môi trường sử dụng xe cơ giới đi thu gom theo giờ và có loa nhắc nhở người dân, tình trạng trên đã được cải thiện rõ rệt.

Anh Việt Anh (tổ 22 Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho biết, trước đây, khi di chuyển qua tuyến đường có xe rửa đường, không ít lần anh bị dính… bẩn oan, có hôm phải quay về thay trang phục đi làm. "Bây giờ, xe rửa đường đã được thay thế bằng những chiếc xe hút bụi hiện đại nên không còn rơi vào tình cảnh "dở khóc, dở cười" đó nữa" - anh Việt Anh chia sẻ.

Xoay quanh vấn đề này, ông Đào Đức Khánh – Phó Trưởng phòng Kinh doanh & Truyền thông, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, trước đây, việc quét dọn trên đường phố Thủ đô chủ yếu dựa vào sức người nên tình trạng rác, bụi được vun thành các đống nhỏ chờ di chuyển gặp gió phát tán sang nơi khác, hay những chiếc xe rửa đường vô tình lại đẩy bùn xuống cống là điều thường xuyên diễn ra. Thế nhưng, từ khi những chiếc máy hút bụi được đưa vào sử dụng, không chỉ nâng cao năng suất, giảm thiểu ảnh hưởng đến cộng đồng mà còn hạn chế được tình trạng “dọn chỗ này, bẩn chỗ khác” trong quá trình thu gom rác, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường" - ông Khánh nói.

Hiệu quả từ thực tế

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, sự xuất hiện của những phương tiện cơ giới đã và đang góp phần nâng cao năng suất thu gom rác thải. Chị Nguyễn Thị Hải (40 tuổi), Công nhân Công ty Chi nhánh Môi trường Đống Đa (Urenco 4) cho biết, từ khi các xe hút bụi được đưa vào sử dụng, việc thu gom rác diễn ra nhanh, sạch và năng suất cao hơn từ 6 – 7 lần so với thu gom thủ công. "Từ khi được trang bị xe hút bụi, những hiểm nguy trong quá trình làm việc, những căn bệnh đặc trưng của công nhân môi trường, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp, da… đã giảm đáng kể" - chị Hải nhìn nhận.

Công tác cơ giới hóa phương tiện thu gom rác đã được Urenco thực hiện từ cuối năm 2015 và từng bước đem lại hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo VSMT Thủ đô. Theo đó, trung bình, mỗi ngày duy trì gần 60 lượt xe tham gia hút bụi trên các tuyến đường tại 4 quận nội thành cũ với khối lượng rác ước tính khoảng 70 tấn. Về hiệu quả môi trường, xã hội, lãnh đạo Urenco đánh giá: Đường phố sạch bụi, tạo hình ảnh văn minh đô thị, giảm nguy hiểm cho công nhân khi phải quét thủ công trên đường.

Theo lãnh đạo Urenco, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cơ giới hóa thu gom rác thải, công ty sẽ nghiên cứu triển khai lắp đặt hệ thống trợ lực cho các xe thu gom rác đẩy tay để giảm bớt những gian nan, vất vả cho đội ngũ công nhân trong quá trình làm nhiệm vụ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ ngày 1/3/2017, công tác duy trì VSMT TP được thực hiện theo hình thức đấu thầu tập trung do Trung tâm mua sắm tài sản công, thông tin tư vấn tài chính – Sở Tài chính thực hiện, ký thỏa thuận khung với đơn vị trúng thầu, Chủ đầu tư là UBND cấp huyện xây dựng các kế hoạch, đề án, giao nhiệm vụ cho các phòng ban, đơn vị trực thuộc, đơn vị trúng thầu thực hiện đảm bảo chất lượng, khối lượng và các nội dung khác theo hợp đồng đã ký kết. Công tác cơ giới hóa đã được thể hiện tại hồ sơ mời thầu. Đặc biệt trong thực tiễn triển khai gói thầu, việc quét hút bụi bằng xe cơ giới đã phát huy được hiệu quả, nâng cao chất lượng duy trì vệ sinh đường phố, hạn chế sử dụng lao động thủ công trên các tuyến đường... Công tác quét hút, thu gom, vận chuyển rác thải bằng xe cơ giới được áp dụng trên toàn bộ các tuyến đường đủ điều kiện thực hiện theo Quyết định số 6481/2016/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 của UBND TP, khối lượng duy trì trên cơ sở kết quả tổng hợp nhu cầu thực tế của địa phương... Để triển khai tốt gói thầu duy trì VSMT, các đơn vị trúng thầu đã chủ động đầu tư xe quét hút, xe vận chuyển phù hợp với hồ sơ thầu và theo quy định. Cụ thể, các đơn vị đã tự trang bị số xe quét hút dung tích từ <2m3 và dung tích 5 - 7m3 với tổng số xe: 172 xe, trong đó xe dung tích <2m3 là 107 xe, dung tích từ 5 - 7m3 là 65 xe, các xe quét hút bụi được đầu tư đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tại hồ sơ thầu...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần