TP.HCM có 246 điểm bán thực phẩm đạt chuẩn VietGap dịp tết 2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/12, Sở Công Thương TP. HCM phối hợp với Vụ thị trường trong nước – Bộ Công Thương và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ tổ chức hội nghị phổ biến mô hình chuỗi cửa hàng bảo đảm an toàn thực phẩm, kết nối sản phẩm an toàn vào hệ thống phân phối.

Tại đây, Sở Công Thương TP đã công bố, tính đến ngày 7/12, toàn Thành phố có 246 điểm bán hàng theo tiêu chuẩn VietGap. Năm đơn vị chính thức đăng ký thực hiện phân phối sản phẩm VietGap trên địa bàn gồm: Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đăng ký phân phối rau an toàn và thịt heo đạt chuẩn VietGap; Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đăng ký cung ứng sản phẩm thịt heo đạt chuẩn VietGap và thịt bò đạt chuẩn Escas (quy trình giết mổ nhân đạo và đảm bảo vệ sinh toàn thực phẩm); Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn đăng ký cung ứng thịt heo đạt chuẩn VietGap; Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đăng ký phân phối 224 mặt hàng rau củ quả, thịt gà, trứng gà và thịt heo đạt chuẩn VietGap; HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào đăng ký phân phối sản phẩm rau củ quả đạt chuẩn VietGap, GlobalGap và sản phẩm được công nhận Chuỗi thực phẩm an toàn.
Chọn thực phẩm VietGap tại siêu thị Coopmart
Chọn thực phẩm VietGap tại siêu thị Coopmart
Ông Nguyễn Ngọc Hòa- Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết: “Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các cơ quan liên ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm bán. Hàng hóa cung ứng trong các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi của TP đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được quản lý, bảo quản và phân phối theo quy trình kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm, được Sở Y tế cấp chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn, đạt chuẩn VietGap, GlobalGap, HACCP…”.

Hiện, Sở Công thương đã đưa ra kế hoạch nhằm ổn định thị trường Tết. Tính đến thời điểm này, tổng số điểm bán của 4 chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố là 9.205 điểm, tăng 238 điểm so với đầu chương trình (01/4/2015). Riêng chương trình lương thực, thực phẩm có 3.691 điểm bán, tăng 89 điểm bán so với đầu chương trình; được triển khai tại 109 siêu thị, trung tâm thương mại, 448 cửa hàng tiện lợi, 832 điểm bán trong chợ truyền thống, 2.302 điểm bán trong khu dân cư. Trong đó, có 917 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành.

Theo đó, giá hàng hóa trong chương trình sẽ được giữ ổn định, không điều chỉnh giá trong suốt 2 tháng Tết (trước và sau Tết 1 tháng). Trong tháng cận Tết, nhằm kích cầu mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện hơn 1.500 lượt khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo… Riêng doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường cùng các hệ thống phân phối đã xây dựng kế hoạch khuyến mại, giảm giá sâu đồng loạt các mặt hàng trong chương trình vào các ngày cận Tết, theo đó, giá thịt gia cầm giảm 10% vào 3 ngày cận Tết; đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 5 - 7% trong 2 tuần trước Tết; rau củ quả, thủy - hải sản giảm 15 - 20% trong 1 tháng trước Tết.

Năm nay, chợ đầu mối Hóc Môn và chợ bán lẻ Bến Thành cũng triển khai các mặt hàng nông sản VietGAP. Chợ đầu mối Hóc Môn sẽ phân phối về các chợ theo kênh bán hàng truyền thống để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc thông qua kênh bán hàng truyền thống như các chợ, cửa hàng… Theo đó, nguồn heo VietGAP bán tại các điểm này phải được kiểm tra, truy xuất từ nguồn, phải có hợp đồng mua từ các trang trại nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP và được các cơ quan chức năng xác nhận. Các đơn vị này cũng phân phối các thực phẩm đạt chứng nhận VietGAP khác như rau, củ, quả, trái cây, thịt gà, trứng, bò Úc… 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần