Bến xe Miền Đông mới trong ngày đầu chính thức hoạt động

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/10, bến xe Miền Đông mới chính thức đi vào hoạt động tại địa chỉ 501 Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, quận 9 (TP Hồ Chí Minh).

Sáng nay (10/10), Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAMCO - chủ đầu tư) đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ khai trương bến xe Miền Đông mới tại địa chỉ 501 Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, quận 9.
 Bến xe Miền Đông mới chính thức đi vào hoạt động vào sáng nay (10/10)
Phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc SAMCO Trần Quốc Toản cho biết, dự án bến xe miền Đông mới được đầu tư xây dựng tại vị trí giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, giữ vai trò đầu mối giao thông trọng yếu của TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh thành trong cả nước.
 Mục tiêu của bến xe Miền Đông mới là phục vụ 7 triệu lượt hành khách mỗi năm và là hạ tầng phục vụ liên vận quốc tế, đưa khách đến sân bay Long Thành (Đồng Nai)
“Vị trí này rất phù hợp để phát triển thành trung tâm trong mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng (TOD - transit-oriented development). Tương lai gần, bến xe miền Đông mới sẽ là đầu mối giao thông quan trọng góp phần phát triển TP thông minh ở phía Đông - thành phố Thủ Đức”, ông Trần Quốc Toản nhấn mạnh.
 Ngay khi bước vào sẽ nhìn thấy quầy thông tin, đây là nơi luôn có nhân viên túc trực để cung cấp tất cả thông tin về điểm, tuyến xe theo nhu cầu của hành khách
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm khẳng định, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải cùng các sở, ngành TP đã chuẩn bị chu đáo về giao thông kết nối bên ngoài bến xe.
“Hiện nay, các công trình hạ tầng xung quanh đang tiếp tục được hoàn thiện. Cuối năm sau, tuyến metro số 1 đưa vào khai thác thương mại, nhà ga metro sẽ kết nối trực tiếp với giai đoạn hoàn chỉnh của bến xe. Trong tương lai, khu vực này sẽ có thêm các trung tâm khai thác dịch vụ logistics, trở thành hình mẫu cho mô hình TOD tại Việt Nam”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm nói.
 Bến xe miền Đông mới được thiết kế không gian mở, thông thoáng, bao gồm sảnh đón khách, bãi chờ tài, kết nối nhiều chức năng, tiện ích
Theo đó, bến xe Miền Đông mới chính thức đi vào hoạt động giai đoạn 1 từ hôm nay (10/10) cho các tuyến vận tải hành khách đến và đi từ các tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc, có hành trình chạy qua Quốc lộ 1.
Cụ thể, các tuyến vận tải hành khách đến và đi từ các tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc, có hành trình chạy xe qua Quốc lộ 1 từ bến xe Miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) được chuyển sang bến xe Miền Đông mới.
 Bến xe Miền Đông mới có khối nhà ga 2 tầng hầm và 4 tầng nổi, bao gồm sảnh đón khách, bãi chờ tài, kết nối các chức năng tiện ích rất hiện đại
Hành trình chạy xe của xe khách đi và đến bến xe Miền Đông mới cũng được quy định cụ thể. Xe đi Quốc lộ 1: Bến xe Miền Đông mới - Quốc lộ 1 (đi qua theo hướng qua cầu Đồng Nai) và ngược lại.
Hành trình đi cao tốc: Bến xe Miền Đông mới - đường Hoàng Hữu Nam - đường D400 - Quốc lộ 1 - điểm quay đầu xe trước Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố - Quốc lộ 1 - Xa Lộ Hà Nội - đường D1 Khu Công nghệ cao - đường D2 Khu Công nghệ cao - cầu Phú Hữu - Vành đai 2 (đường Võ Chí Công) - vòng xoay Phú Hữu - đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn thuộc địa phận TP và ngược lại.
 Các hầm, bãi đậu xe của bến xe Miền Đông mới đã được lắp đặt các thiết bị chiếu sáng
Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã thống nhất đề xuất của các đơn vị vận tải di dời giai đoạn 1 tạm thời lưu đậu xe khách để đón trả khách tại Bến xe Miền Đông hiện hữu trước khi bến xe mới hoàn tất các thủ tục xuất bến theo quy định. Thời hạn tạm thời không quá 3 tháng kể từ ngày 10/10.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần