TP Hồ Chí Minh: Bình quân mỗi ngày có 8,5 vụ xây nhà không phép, sai phép

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn TP Hồ Chí Minh có 1.550 công trình không phép, sai phép, sai quy hoạch, bình quân 8,5 vụ/ngày và tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 1/8, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở này vừa có Báo cáo về công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Theo đó, tính từ năm 2017 đến hết tháng 6 năm nay, tổng số giấy phép xây dựng được cấp ở TP là 126.397 giấy, trong đó, giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ chiếm đến 89%.
Cũng trong thời gian này, toàn TP có đến 6.825 công trình vi phạm, trong đó có 2.573 trường hợp xây dựng không phép không đủ điều kiện cấp phép xây dựng, chủ yếu là vi phạm xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng trên đất không được phép xây dựng. Và 4.252 trường hợp xây dựng sai nội dung giấy phép, hoặc công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng.
Hàng loạt những ngôi nhà được xây dựng trên đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè TP Hồ Chí Minh.
Nếu như năm 2017 bình quân có 7,8 vụ vi phạm trật tự xây dựng/ngày, thì năm 2018 giảm còn 6,6 vụ/ngày thì trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn TP Hồ Chí Minh có 1.550 công trình không phép, sai phép, sai quy hoạch, bình quân 8,5 vụ/ngày và tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Các trường hợp vi phạm tập trung nhiều ở các quận, huyện ngoại thành, địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao như quận 2, quận 12, quận Bình Tân, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh.
Xác định nguyên nhân của tình trạng xây dựng không phép nói trên, Sở Xây dựng TP cho rằng, xuất phát từ việc TP có tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng dân số cơ học cao dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tăng vọt, làm phát sinh tình trạng mua, bán và xây dựng trên đất nông nghiệp, phân lô bán nền trái phép ở địa bàn một số quận ven và huyện ngoại thành TP.
Ngoài ra, do nhu cầu nhà ở của người dân nhập cư cao trong khi TP chưa thực hiện tốt quy hoạch, chưa có chương trình nhà ở cho người nhập cư với quy mô mỗi năm khoảng 200.000 người. Thêm vào đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân vẫn còn chưa cao, lợi nhuận từ việc mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền lại rất lớn, mà các biện pháp chế tài không đủ tính răn đe nên một số đối tượng trục lợi vẫn cố tình vi phạm.
Cộng thêm sự quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương, chưa làm hết trách nhiệm, hoặc trình độ chuyên môn còn hạn chế. Ngoài ra, cũng không loại trừ yếu tố tiêu cực liên quan đến công chức, nhân viên thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.
Hậu quả là dẫn đến việc hình thành các khu dân cư, khu nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn TP.
Để tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép, mới đây, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
Chỉ thị yêu cầu UBND TP, các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị có liên quan thực hiện nhiều đầu việc.
Cụ thể, UBND TP cuối tháng 7 tổ chức hội nghị “Lập lại TTXD trên toàn TP” để đánh giá tình trạng xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý từ năm 2016 đến 2019. Hậu quả của việc này, làm rõ các nguyên nhân, cơ chế của việc tồn tại dai dẳng việc xây dựng không phép, trái phép, đồng thời đề xuất, xác định các giải pháp đồng bộ, khả thi, quyết liệt của hệ thống chính trị ba cấp ở TP để tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép trước đại hội đảng bộ cấp quận, huyện (tháng 6/2020).
Chỉ thị cũng yêu cầu tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên toàn TP theo hướng không cào bằng mà bố trí lực lượng đông hơn, mạnh hơn ở các địa bàn có nguy cơ xảy ra xây dựng không phép, trái phép cao.
Ngoài ra, để sớm khắc phục tình hình, Ban thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu nghị quyết của các quận ủy, huyện ủy năm 2020 phải xác định được các giải pháp trung, dài hạn để đáp ứng nhu cầu nhà ở của 1 triệu người dân nhập cư tăng thêm mỗi năm năm, giai đoạn 2020 - 2030. Cùng đó, cần làm rõ các giải pháp ngắn hạn, khả thi, hợp pháp để đáp ứng nhu cầu nhà ở tăng thêm trong các năm 2019 - 2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần