TP Hồ Chí Minh bổ sung 141 tỷ đồng hỗ trợ giá xe buýt

Yên Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, UBND TP Hồ Chí Minh đã đồng ý bổ sung thêm hơn 141 tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt để hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn.

Theo đó, số tiền mà UBND TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt thì có tới 117 tỷ đồng bù chênh lệch đơn giá và 24 tỷ đồng tăng tiền lương. Hiện tại cơ quan này đang lên phụ lục để thanh toán số tiền trợ giá cho các doanh nghiệp vận tải theo số lượng xe. 
 UBND TP đã đồng ý bổ sung thêm hơn 141 tỉ đồng tiền trợ giá xe buýt để hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn. Ảnh: Huy Chương
Cũng theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, việc thanh toán thanh toán tiền trợ giá nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào việc cung cấp hồ sơ và làm việc giữa hai bên.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) có văn bản kiến nghị UBND TP và Sở Tài chính tính toán lại trợ giá xe buýt. Bởi trợ giá ban đầu UBND TP duyệt là hơn 1.150 tỷ đồng, số tiền này không đủ để xe buýt hoạt động. Do đó, Sở GTVT đã đề xuất tăng 161 tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt trong năm 2020.
Đồng thời, trong nhiều năm qua trợ giá xe buýt của TP Hồ Chí Minh trung bình là 1.000 tỷ/năm, trong đó, các năm gần đây đều tăng. Cụ thể, năm 2018 là 1.123 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 1.247 tỷ đồng và năm 2020 là 1.311 tỷ đồng nhưng không đủ kinh phí để xe buýt hoạt động.
Trong khi đó, lượng hành khách đi xe buýt thì giảm đều qua các năm, năm 2020 dự kiến lượng hành khách còn giảm sâu hơn so với những năm trước.
Các HTX vận tải cho rằng nhiều năm nay doanh nghiệp, HTX bị ảnh hưởng bởi trợ giá xe buýt bổ sung thanh toán chậm. Nhiều doanh nghiệp không có tiền để hoạt động, không đủ tiền trả lương nhiên liệu.
Theo thông tin từ Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, những năm qua việc bố trí kinh phí trợ giá xe buýt ngày càng giảm và tỉ lệ trợ giá cũng có xu hướng giảm dần. Trợ giá không đủ cho hoạt động xe buýt do quan điểm xe buýt phải tận dụng tối đa sức chứa (tối thiểu 45 hành khách/chuyến khi thẩm định giao dự toán kéo dài trong nhiều năm) nhưng khối lượng vận chuyển bình quân có xu hướng giảm.
Cụ thể, đến cuối năm 2019, lượng hành khách chỉ đạt 29,7 hành khách/chuyến. Doanh thu khoán còn bất cập, hàng năm áp khoán cho đơn vị hơn 50% so với thực tế thực hiện nhiều năm liền kề. Vì vậy, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phát huy vai trò vận chuyển phục vụ người dân đi lại.
Trường hợp buộc phải phân bổ theo dự toán trên thì sẽ xảy ra tình trạng tương tự giống các năm trước đây, các doanh nghiệp bức xúc kiến nghị như vừa qua. Do đó, Sở GTVT sẽ rà soát, lập dự toán bổ sung chi ngân sách trợ giá trong năm 2020 với số chuyến là hơn 6 triệu chuyến xe/năm.
Trước thực trạng năm nào cũng phải xin bổ sung trợ giá, gây ì ạch, các HTX và doanh nghiệp gặp khó. Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho rằng, dự toán hiện nay không còn phù hợp, theo đó, Sở GTVT sẽ tích cực đề xuất với TP để tính toán lại, để bù cho phần thiếu hụt đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần