TP Hồ Chí Minh: Cần hơn 83.000 tỷ đồng để xây 21 dự án giao thông

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số dự án kết nối các tỉnh lân cận trong giai đoạn 2020 - 2025 vào khoảng 83.000 tỷ đồng.

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn TP và một số dự án kết nối các tỉnh lân cận.
Cụ thể, trong giđoạn 2021-2025, TP đề xuất xây dựng 12 dự án với tổng nguồn vốn hơn 45.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương.
 Kẹt xe là ảnh thường thấy trên các tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh
Trong đó, có 4 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 5.536 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn ODA gồm dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ, Bến Nghé - Đôi Tẻ giai đoạn 2; dự án hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển giao thông xanh TP Hồ Chí Minh(SECO); dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2 và dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương).
Đáng chú ý, dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành cần đến 24.600 tỷ đồng. Và 4 dự án thành phần thuộc đường vành đai 3; Hai nút giao trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm; dự án Nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 3) và dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL.
Ngoài ra, TP cũng cần thêm 37.900 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn ngân sách TP và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với 9 dự án có tính chất liên vùng hoặc kết nối các tỉnh lân cận.
Trong số đó, dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài tốn gần 10.700 tỷ đồng, đường song hành quốc lộ 50 cần 3.800 tỷ đồng, dự án vành đai 2 hơn 6.500 tỷ đồng...
Như vậy, TP cần khoảng 83.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn và kết nối các tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP, hiện nguồn vốn bố trí cho các dự án giao thông mới đáp ứng được 35% nhu cầu khiến nhiều dự án chưa thể triển khai theo quy hoạch.