TP Hồ Chí Minh: Chưa có thuốc trị “bệnh” ngập nước cho thành phố

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đã làm việc với Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước và các sở, ban ngành liên quan, cùng 24 quận, huyện về công tác chống ngập.

Trận mưa tối 19/5 gây ngập nặng ở nhiều tuyến đường.
Hệ thống thoát nước lạc hậu
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu mùa mưa đến nay, có 4 trận mưa gây ngập từ 1 đến 32 tuyến đường. Riêng trận mưa tối 19/5 có vũ lượng đạt 119,3mm, gây ngập 32 tuyến đường. Đây là trận mưa có vũ lượng lớn, diện rộng. Trận mưa này đã làm ảnh hưởng giao thông đi lại trên diện rộng của TP, 10 tuyến ngập từ 0,1 - 0,25m, thời gian rút nước từ 1- 5 giờ. Các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, Phan Anh, An Dương Vương ngập kéo dài 5 giờ.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, khu vực đang tập trung đầu tư là vùng lõi trung tâm đảm bảo không ngập. Đường Nguyễn Hữu Cảnh đã ký hợp đồng thuê siêu máy bơm. Trong trận mưa ngày 19/5 bắt đầu bơm kể từ khi mưa cho đến lúc dứt mưa nên đường không ngập. Trận mưa ngày 19/5 vượt tần suất thiết kế theo quy hoạch được ban hành theo Quyết định 752, ảnh hưởng khả năng thoát nước của hệ thống cống hiện hữu.

Theo quy hoạch tổng thể thoát nước TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tần suất thiết kế hệ thống thoát nước tương ứng với mưa có vũ lượng trong 3 giờ là 95,91mm (kênh rạch); 85,36 mm (cống cấp 2); 75,88mm (cống cấp 3) ứng với mực nước triều 1,32m.

Gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều những cơn mưa có vũ lượng lớn như ngày 26/8/2016 đạt tới 149mm; trong năm 2017 là 206,2mm (ngày 12, 13/10) và gần đây là ngày 19/5 vừa qua cơn mưa có vũ lượng đạt 119,3mm trong vòng 2 giờ, vượt gần gấp đôi tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay.
Sẽ còn ngập dài dài

Trong khi điều kiện thời tiết ngày càng thất thường, các trận mưa có vũ lượng lớn xuất hiện nhiều thì việc đầu tư cho hệ thống thoát nước đang trong tình trạng ì ạch.

Hệ thống cống thoát nước bao gồm 6 lưu vực khoảng 650km2 có tổng nhu cầu để đảm bảo thoát nước là 6.000km, hiện tại mới xây dựng, cải tạo được gần 3.000km (đạt 40%). Trên phạm vi toàn thành phố (ngoài khu vực tính toán của quy hoạch 752) mới đạt 4.176km, qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp hư hỏng. Mặt khác, cống chỉ có tiết diện 600 - 800mm không đảm bảo khả năng thoát nước.

Hệ thống kênh rạch được cải tạo, nạo vét thì mới đạt 60,3km/5.075km (khoảng 1,19%) và chưa xây dựng được một hồ điều tiết nào trong tổng số 104 hồ theo quy hoạch. Đối với hệ thống thoát nước theo Quyết định quy hoạch 1547, TP Hồ Chí Minh mới hoàn thành 1/10 cống kiểm soát triều (cống Nhiên Lộc - Thị Nghè), đạt 10%; xây dựng 64km/129km đê bao bờ hữu (đạt gần 50%) và 0,424km đê bao bờ tả song Sài Gòn (đạt 2,1%)... Với thực trạng của hệ thống thoát nước hiện nay, thì tình trạng ngập do mưa và triều cường trong thời gian tới sẽ còn diễn ra dài dài.
Trận mưa tối 19/5 gây ngập nặng ở nhiều tuyến đường 
Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, chống ngập trong một đô thị hiện hữu rất phức tạp, khó, giống như phải xoay sở trong một tấm áo cũ, việc chống ngập phải bằng nhiều giải pháp. 
“Tình trạng ngập gây bức xúc xã hội. Có nhiều nguyên nhân gây ngập, trong đó có nguyên nhân do lịch sử để lại, cũng có nguyên nhân do chúng ta, do biến đổi khí hậu, do quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch yếu kém, ý thức người dân chưa cao. Để chống ngập, phải cộng đồng trách nhiệm từ cơ quan nhà nước đến người dân”, ông Tuyến cho biết.

Kết thúc buổi làm việc, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, UBND TP sẽ nghiên cứu lại, điều chỉnh chức năng của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập, giao chức năng quản lý nhà nước cho Sở GTVT và 24 quận huyện để tang cường chất lượng quản lý.

Bình luận về báo cáo của Trung tâm chống ngập sau trận mưa tối 19/5, ông Trần Vĩnh Tuyến thẳng thắn: “Người dân đang bức xúc, mình lại nói không ngập mà tụ nước. Dù theo tiêu chí này kia thì gọi là tụ nước thật nhưng gây bức xúc ảnh hưởng đến người dân thì phải xử lý”.

Qua đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải làm rõ những điểm nào chưa giải quyết, đã giải quyết nhưng chưa căn cơ. Phải tìm hiểu phân tích nguyên nhân gây ngập đối với những tuyến đường mới. Tìm được nguyên nhân thì mới có giải pháp. Cứ nói chung chung rồi bỏ ra cả đống tiền làm dự án. Tiền là của người dân đóng thuế. Phải xác định rõ chống ngập chỗ nào do nước biển dâng cao; chỗ nào do mưa… không thể lấy báo cáo nhiều năm trước để viện dẫn vì đã có sự biến đổi… Không thể lấy mưa lớn ngày 19/5 để bao biện cho tình trạng ngập”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần