TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ được 6.182.040 người dân khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 trong đợt 3

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/11, Thường trực Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh có báo cáo “Kết quả hoạt động giám sát tình hình triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch, việc tiếp nhận, giải quyết các thông tin phản ánh, kiến nghị của Nhân dân về công tác phòng, chống dịch”.

Người dân kiến nghị dừng việc cho trẻ mầm non đến trường
Theo HĐND TP Hồ Chí Minh, người dân đồng tình với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND của UBND thành phố về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, áp dụng từ 18 giờ ngày 30/9/2021.
 Tại quận 6 đến nay đã chi hỗ trợ cho hơn 162.000 người, đạt 80,2%. Ảnh: Cán bộ UBND phường 1 trao tiền hỗ trợ cho người dân.
Người dân cũng đồng tình việc TP chia các bệnh viện thành các cụm để tiếp nhận điều trị Covid-19 của các quận, huyện, phù hợp với tình hình thực tế để thu dung người bệnh Covid-19 trong giai đoạn “Bình thường mới”. Người dân cũng đồng tình với đề xuất của Sở Y tế với Bộ Y tế về cho phép TP Hồ Chí Minh thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng đã tiêm 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7. Việc này vừa góp phần giảm áp lực cho đội ngũ y tế (Dù cách ly tập trung hay cách ly tại nhà), vừa có tác dụng tâm lý tốt cho các F0.
Tuy nhiên người dân vẫn lo lắng do tình hình dịch bệnh có gia tăng trở lại trong những ngày gần đây, thậm chí đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine vẫn có thể nhiễm bệnh và trở nặng. Nhiều phụ huynh học sinh quan tâm việc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến thời gian từ giữa tháng 12/2021 sẽ cho học sinh khối lớp 9, 12 và mầm non đi học lại tại các địa phương được đánh giá cấp độ dịch an toàn. Rất nhiều phụ huynh học sinh không đồng tình việc Sở GD&ĐT dự kiến trẻ mầm non chỉ học nửa buổi và không ăn sáng, không tổ chức bản trú (Do việc tổ chức giữ nửa buổi sẽ không giải quyết được khó khăn cho phụ huynh và trẻ em còn đối diện nguy cơ lây nhiễm Covid-19, khi các bé chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Người dân cũng mong muốn thành phố tiếp tục cho các em dừng học đến khi dịch ổn định.
Trước tình hình trẻ em dưới 12 tuổi là F0, người dân cũng mong thành phố sớm có nguồn vaccine để tiêm cho trẻ ở độ tuổi này, đảm bảo an toàn cho các em trong điều kiện hiện tại. Người dân mong ngành y tế cần có những nghiên cứu khoa học, hiệu quả hơn về thời gian công dụng của vaccine, tác dụng phụ của vaccine trong các trường hợp tiêm sớm, tiêm muộn... để triển khai tiêm liều tăng cường hiệu quả.
Còn 4 quận, huyện chi hỗ trợ chỉ đạt trên dưới 50%
Cũng theo HĐND TP Hồ Chí Minh, đến nay việc thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND và Nghị quyết số 97/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố. Trong đó việc hỗ trợ theo Nghị quyết số 97, đã có 22/22 quận, huyện và TP Thủ Đức (Đơn vị - PV) triển khai thực hiện với số lượng 6.182.040/7.616.609 người, đạt tỷ lệ 80,7% (Tổng số tiền hỗ trợ là 6.149.182.000.000 đồng).
 Đến trưa 21/11, TP Hồ Chí Minh đã chi hỗ trợ đợt 3 được hơn 6.182 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.
Đến nay có 18 đơn vị chi đạt tỷ lệ trên 80%, không tăng, không giảm, trong đó quận 5 chi đạt tỷ lệ 100%. Có quận 7 và huyện Hóc Môn chỉ đạt tỷ lệ trên 50%, riêng quận Bình Tân và huyện Bình Chánh chỉ mới đạt tỷ lệ dưới 50%.
Do đó, HĐND TP Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị đẩy nhanh thực hiện việc chi hỗ trợ đợt 3 cho người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thành phố hiện có khoảng 10 triệu dân, trong đó một số đối tượng không được chi hỗ trợ theo Nghị quyết 97/NQ-HĐND, gồm: Người đang hưởng lương hưu; Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; Người lao động đang tham gia BHXH; Người lao động được doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021. Tuy nhiên số trường hợp thật sự khó khăn được lập danh sách chi hỗ trợ trong đợt 3 là 7.616.609 người, chiếm tỷ lệ trên 76 % dân số thành phố. Vì vậy, đề nghị các địa phương cần rà soát kỹ để tránh việc chi sai đối tượng (Thực tế đã có xảy ra những trường hợp chi không đúng đối tượng, buộc phải thu hồi số tiền đã chi hỗ trợ).
Thường trực HĐND cũng đề nghị UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện: Xem xét kiến nghị và chấp thuận giấy hoàn thành cách ly thay thế giấy ra viện cho người điều trị F0 tại khu cách ly để thuận lợi trong thanh toán chứng từ tiền ăn (Thực hiện công văn số 2512/UBND-VX ngày 28/7 của UBND TP Hồ Chí Minh về việc triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 hiện nay, để thanh quyết toán hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền ăn đối với các trường hợp F0 đang điều tại các cơ sở y tế, chứng từ cần phải có là giấy ra viện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định).
Doanh nghiệp 100 lao động trở lên phải có khu cách ly F0
Xem xét kiến nghị thành lập các khu vực kiểm soát dịch Covid-19 theo từng cụm quận, huyện giáp ranh để các quận, huyện kịp thời hỗ trợ nhau, không để bị động, thiếu hụt lực lượng trong trường hợp dịch bệnh phát sinh trở lại. Chỉ đạo Sở Y tế có kế hoạch củng cố toàn diện hệ thống y tế từ cấp thành phố đến cấp cơ sở phường, xã, thị trấn để đủ sức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân và sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Xem xét ban hành quy định cụ thể áp dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất có từ 100 lao động trở lên phải có khu cách ly F0 với công suất tối thiểu 2% tổng số lao động để cách ly, điều trị những trường hợp F0 phát hiện tại doanh nghiệp hoặc hợp đồng với một cơ sở y tế để thực hiện cách ly F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà (Do ở nhà trọ, các khu lưu trú đông đúc không đảm bảo điều kiện cách ly) nhằm giảm tải áp lực cho các khu cách tập trung của huyện, các xã, thị trấn.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền để người dân nắm được các vấn đề: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định 5K để đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống dịch ở trạng thái “Bình thường mới”, giúp người dân hiểu “Người dân phải sống an toàn trong điều kiện có dịch”, thành phố phải thích ứng với việc “Vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi kinh tế” chứ không phải thành phố đã hoàn toàn hết dịch. Thông tin khuyến cáo về giá cả, chất lượng của các loại xét nghiệm nhanh Covid-19 đã được cấp phép trên thị trường để người dân yên tâm sử dụng trong việc phòng, chống dịch Covid-19.
Chỉ đạo Sở Công Thương tăng cường kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm; Đảm bảo cung ứng đầy đủ và đa dạng hàng hóa cho người dân; Kiểm soát về giá của các mặt hàng liên quan công tác phòng chống dịch như khẩu trang, đồ bảo hộ, nước sát khuẩn... tránh tình trạng leo thang, tăng giá các mặt hàng. Tiếp tục triển khai và thực hiện các gói an sinh đến hộ dân trên địa bàn, đảm bảo công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Có chính sách, chế độ hợp lý nhằm khuyến khích cho lực lượng y tế địa phương. Quan tâm củng cố hệ thống y tế cơ sở ngay từ thời điểm hiện nay để y tế cơ sở dần tiếp cận, chủ động thực hiện các chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới.
UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 97/NQ-HĐND ngày 22/9 của HĐND TP Hồ Chí Minh về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn. Tập trung rà soát lập danh sách đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, kịp thời và không để lợi dụng trục lợi chính sách. UBND các quận, huyện: 7, Bình Tân, Hóc Môn và Bình Chánh tăng cường công tác chi gói hỗ trợ đợt 3 cho người có hoàn cảnh thật sự khó khăn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần