TP Hồ Chí Minh: Chống ngập hiệu quả chưa cao, trách nhiệm thuộc về ai?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/7, kỳ họp thứ 15, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX tiếp tục với phần thảo luận của các đại biểu về kết quả giám sát “Tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn TP”.

Tiến độ các dự án chống ngập đều chậm

Theo báo cáo do ông Trương Trung Kiên - Trưởng ban Đô thị HĐND TP trình bày, đến thời điểm thực hiện giám sát (từ 8/5 đến 13/6), thực hiện chương trình “Giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020”, TP đã giải quyết được 22/40 tuyến đường bị ngập do mưa (đạt 59,64% chỉ tiêu); giải quyết 5/9 tuyến đường ngập do triều cường (đạt 55,56% chỉ tiêu) và 151/179 tuyến hẻm 84,35% chỉ tiêu).

Ngoài ra, hoàn thành thêm 1.343 tuyến đường hẻm quận, huyện kết hợp chỉnh trang, kết nối với các tuyến thoát nước chính của thành phố.

 Cống ngăn triều Phú Định (quận 8).
Bên cạnh việc triển khai các dự án chống ngập, UBND TP cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 2 nhà máy xử lý nước thải (dự kiến chỉ đạt 28,57% so với chỉ tiêu 2016 - 2020), khởi công xây dựng 4 nhà máy (dự kiến không kịp tiến độ 2016 - 2020, vì kinh phí đầu tư lớn, phụ thuộc khả năng kêu gọi vốn ngoài ngân sách, đang tiếp tục kêu gọi đầu tư); chỉ đạo các cơ quan đơn vị thực hiện các dự án nạo vét kênh rạch thuộc chương trình đầu tư công “Cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét kênh rạch”.
Đối với các hạng mục “Chống ngập do triều” gồm các dự án do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 thực hiện hoàn thành khoảng 75% khối lượng. Đối với 6 dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị thực hiện, có 2 dự án đang thi công, 4 dự án chưa triển khai thực hiện có khả năng không hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020.
Hiệu quả của việc hoàn thành các dự án nêu trên đã góp phần giảm ngập cho các khu vực quận 5, 6, 9, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Hóc Môn, Củ Chi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, đó là tiến độ thực hiện các dự án đều bị chậm. Một số mục tiêu như: Giải quyết các tuyến ngập do mưa; giải quyết các tuyến ngập do triều; xây dựng cải tạo các nhà máy xử lý nước thải và các hạng mục dự án chống ngập do triều khó có thể đảm bảo theo kế hoạch đề ra là hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020.
Nhiều dự án không hiệu quả, sông rạch bị lấn công khai
Báo cáo cũng thể hiện nhiều dự án còn gặp vướng mắc về bố trí vốn, chuyển đổi nguồn vốn,vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong xác định pháp lý đất đai dẫn đến việc điều chỉnh phương án thiết kế (điều chỉnh ranh, quy mô, tuyến), điều chỉnh dự án  nên hiệu quả triển khai bị hạn chế, thời gian thực hiện kéo dài, chậm tiến độ…
“Đối với dự án thoát nước, giảm ngập đã hoàn thành, vẫn còn tình trạng khi đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả hạn chế, chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ngập khiến người dân bức xúc, có tình trạng dự án khi thực hiện gây phát sinh điểm ngập mới”, báo cáo giám sát nêu.
Cần làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân làm chậm tiến độ
Tại phiên thảo luận, ông Phạm Đức Hải - Phó Chủ tịch HĐND TP cho rằng, đối với Thường trực HĐND TP tiếp thu 3 điểm: Làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân làm chậm tiến độ; làm rõ hơn hiệu quả đầu tư; yêu cầu UBND TP báo cáo đầy đủ hơn về nguồn lực đầu tư trong thời gian qua và thời gian tới và cần có những giải pháp như thế nào?
Thảo luận về nội dung trên, đại biểu Lê Minh Đức cho rằng, điểm ngập tại trung tâm TP đã giảm, nhưng có xu hướng tăng ở vùng ngoại biên TP. Nguyên nhân do quá trình đô thị hóa phát triển mạnh nhưng hạ tầng thoát nước không theo kịp. Vì vậy, cần xem lại các giải pháp giảm ngập.
Đại biểu Đức đặt ra hàng loạt câu hỏi, như: Theo quy định tại các đô thị phải quy hoạch diện tích mặt nước là 17%, vậy diện tích mặt nước hiện nay là bao nhiêu? Có đảm bảo theo quy định của Chính phủ? Đến nay xây dựng được bao nhiêu hồ điều tiết? Khi nào xây xong những hồ đó?
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng báo cáo cho thấy TP đã làm nhiều việc trong công tác chống ngập, giảm ngập. Nhưng hiệu quả chưa cao, nhà máy xử lý nước thải chỉ đạt trên 28%. “Vậy chúng ta có hoàn thành chỉ tiêu từ đây đến năm 2020? TP cần phải làm gì để tháo gỡ? Do đô thị phát triển nhanh khiến nhiều sông, rạch bị thu hẹp, thậm chí biến mất. Ví dụ ở phường Thảo Điền (quận 2) nhiều người mở quán, dựng chòi, thậm chí nhiều công trình xây dựng lấn trên hành lang bảo vệ sông Sài Gòn để kinh doanh, buôn bán… nhưng không bị xử lý! Vậy giải pháp sắp đến của TP là gì? Thời gian nào cưỡng chế triệt để các biệt thự lấn kênh, rạch”, đại biểu Tố Trâm nêu vấn đề.
Một phần do quản lý không tốt
Đại biểu Cao Thanh Bình - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP nhận định, tình hình giảm ngập có chuyển biến. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, cần ứng dụng công nghệ dự báo mô phỏng tại các điểm ngập; cần khẩn trương xây nhà máy xử lý bùn, chất chải từ các nhà máy xử lý nước thải, các dự án nạo vét bùn trên địa bàn TP.
“Đơn cử nhà máy xử lý nước thải ở xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) mỗi ngày trên 30 tấn bùn thải, mỗi tháng tổng cộn trên 1.000 tấn. Trong khi nhiều quận, huyện vẫn còn nhiều vị trí, dự án cần san lấp nhưng chúng ta không tận dụng hết, phải đưa đến Đa Phước xử lý vừa tốn tiền vận chuyển, vừa tốn tiền xử lý, lãng phí địa điểm.
Đối với dự án giải quyết chống ngập của Tập đoàn Trung Nam với tổng số tiền lên hơn 9.926 tỷ đồng, nhà đầu tư cam kết quý I/2019 vận hành, nhưng đến nay vẫn chưa giải tỏa xong mặt bằng. Ở dự án này, TP cần đào tạo nguồn nhân lực để vận hành dự án”, đại biểu Bình nói.
Trong khi đó, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho rằng, để tránh ngập do mưa, theo góc nhìn văn hóa ở một số địa phương, nhất là vùng nông thôn, người dân dùng lu để hứng nước mưa nhằm trữ nước. Qua quan sát thấy việc dùng lu để hứng nước mưa, trữ nước sẽ… giảm ngập nước. Từ lập luận này, đại biểu Xuân đề nghị TP trang bị cho các hộ dân nông thôn nhiều lu trữ nước mưa để góp phần giảm ngập do mưa.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu: “Tại TP tốc độ đô thị hóa tăng nhanh nên đất thay vì để thoát nước đã không còn thoát được. Việc cải tạo hệ thống thoát nước không theo kịp đà phát triển đô thị. Bên cạnh đó, do chúng ta quản lý chưa tốt, có nhiều bất cập, một bộ phận dân cư chưa tốt, ý thức doanh nghiệp còn kém khi cố tình lấp kênh, rạch xây các dự án”.
Cũng theo ông Hoan, hiện tại nguồn vốn để chống ngập quá lớn, trên 96.300 tỷ đồng. Trong khi ngân sách TP chỉ có trên 6.300 tỷ. Vì vậy chỉ có thể làm sạch 2 bờ kênh (giải phóng mặt bằng, làm bờ kè). Nhà đầu tư sau khi giải tỏa, sẽ hưởng một số khu đất trên 2 bờ kè. Đối với những đề nghị của đại biểu Cao Thanh Bình về đào tạo đội ngũ vận hành cống ngăn triều, ông Hoan cho rằng sẽ trình UBND TP thuê doanh nghiệp thực hiện dự án tiếp tục vận hành. Đến một thời gian nào đó khi đội ngũ mạnh, mới trực tiếp quản lý.

Chưa chỉ rõ tổ chức, địa phương nào chịu trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh) thẳn thắn nêu ra nhiều hạn chế trong công tác chống ngập. Cụ thể, báo cáo giám sát của HĐND TP chưa chỉ ra được trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong việc chống ngập.

“Trước đây chúng ta đã đề cập việc lấn chiếm kênh, rạch là một trong những nguyên nhân gây ngập. Thế nhưng chúng ta lại cho phép xây dựng lấn kênh, rạch, lấp kênh đặt cống hộp. Đó chính là nguyên nhân gây ngập nhưng chúng ta chưa chỉ ra được nguyên nhân chính là gì, trách nhiệm thuộc về ai. Chúng ta còn né tránh, không chỉ đích danh cơ quan phải chịu trách nhiệm. Việc chưa huy động được nguồn lực, nhưng chúng ta chưa đặt vấn đề và chỉ ra có lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực hay không? Vì đầu tư nguồn lực này không nhỏ, vậy mấy năm qua đầu tư là bao nhiêu? So sánh nguồn lực đề ra với kết quả thực hiện, từ đó mới có thể đánh giá được người dân có hài lỏng không”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần