TP Hồ Chí Minh: Đề xuất chi hơn 190 tỷ đối phó dịch nCoV

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/2, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề xuất UBND TP chi hơn 194 tỷ đồng mua sắm thiết bị cần thiết đối phó dịch viêm phổi cấp do nCov.

Cụ thể, Sở Y tế TP cho biết trong đó bao gồm: 3 xe cứu thương chống dịch (áp lực tâm) - tổng kinh phí 25,5 tỷ đồng; từ một đến 100 trang thiết bị y tế (máy thở chức năng cao, máy thở cao tần, máy lọc máu liên tục, máy X-quang di động)... có giá khoảng 106 tỷ đồng; số tiền còn lại để đầu tư thiết bị cho khối dự phòng (khẩu trang giấy, khẩu trang N95, hóa chất phòng chống dịch...).

TP Hồ Chí Minh: Đề xuất chi hơn 190 tỷ đối phó dịch nCoV - Ảnh 1
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề xuất chi hơn 194 tỷ đồng đối phó dịch nCov.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đây là nhu cầu trang thiết bị vật tư cấp thiết phục vụ điều trị và phòng ngừa dịch bệnh nCoV cho 5 bệnh viện: Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1 và 2, Nhi đồng TP, Phạm Ngọc Thạch, Trung tâm cấp cứu 115, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC).
Hiện, Sở Y tế TP cùng Bộ Tư lệnh TP cũng triển khai xây 2 bệnh viện dã chiến với tổng kinh phí khoảng 255 tỷ đồng. Trong đó, cơ sở 1 có 300 giường bệnh (20 giường hồi sức tích cực) đặt tại Trường quân sự thành phố ở huyện Củ Chi. Cơ sở 2 với 200 giường (ít nhất 10 giường hồi sức tích cực) tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè.
Bệnh viện trang bị các trang thiết bị như máy thở, monitor, X-quang, trang phục bảo hộ, 5 xe cứu thương... Nhân lực y bác sĩ đảm bảo cho hoạt động hồi sức tích cực của bệnh viện dã chiến được điều động tại các bệnh viện TP như Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, Trưng Vương...
Trước đó, cũng trong chiều 7/2, Sở Y tế TP cho biết đã triển khai kế hoạch khẩn trong việc đảm bảo khẩu trang y tế để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV) gây ra.
Theo đó, Thanh tra Sở Y tế phối hợp các phòng ban có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế trên địa bàn, tránh hiện tượng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh corona để tăng giá; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP, kiểm soát việc cấp phát khẩu trang đúng khuyến cáo của Bộ Y tế. Giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm làm việc với các đơn vị cung ứng khẩu trang y tế theo đúng kết quả trúng thầu, cam kết cung ứng đầy đủ theo số lượng trúng thầu.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế phải tập trung cho việc sản xuất, cung ứng khẩu trang y tế đảm bảo nhu cầu phòng chống dịch bệnh. Ưu tiên cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rồi mới đến các cơ sở kinh doanh khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần