TP Hồ Chí Minh: Đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp

Đoàn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hồ Chí Minh vừa hoàn tất dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP. Theo phương án đề xuất có khoảng 3.310 cơ sở sẽ bị thu phí; tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp dự kiến thu được khoảng 60 tỷ đồng mỗi năm.

Đề án đề xuất bổ sung một số ngành nghề thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường gồm: Nước thải phát sinh từ các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám chữa bệnh (523 cơ sở, tổng lưu lượng 22.262m3/ngày/đêm); nước thải phát sinh từ quá trình xử lý chất thải rắn, từ các bãi chôn lấp rác thải (lưu lượng phát sinh khoảng 7.883m3/ngày/đêm).
 TP Hồ Chí Minh đề xuất điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
Theo dự thảo đề án, đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5m3/ngày đêm, áp dụng mức thu phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm (theo quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ - CP). Đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải từ 5m3/ngày đêm trở lên sẽ áp dụng thêm hệ số K về lưu lượng; trong đó cách tính hệ số K là lưu lượng xả thải (m3/ngày đêm) chia 5. Đối với các cơ sở không có đồng hồ đo lượng nước thải thì lượng nước thải được xác định dựa trên kết quả đo đạc thực tế của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường hoặc được tính bằng 80% lượng nước sử dụng hoặc thông tin trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo UBND TP, hiện nay đối với các cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 20m3/ngày đêm hiện nay đều đóng cùng mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm là còn thấp, chưa hợp lý. Do đó, Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ các đối tượng xả thải trên địa bàn TP theo đúng quy định; đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí và tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất điều tiết xả thải ra ngoài môi trường.

Việc điều chỉnh mức phí môi trường đối với nước thải công nghiệp nhằm bổ sung một phần kinh phí cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải. Việc tác động từ đề án này tập trung chủ yếu vào một số cơ sở có mức xả thải lớn.

Đề án điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức về bảo vệ môi trường đối với các chủ nguồn thải, khuyến khích tiết kiệm nước, giảm xả thải, đầu tư xử lý nước thải, hạn chế thải các chất ô nhiễm ra môi trường, đồng thời cũng đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí.

Nguồn kinh phí tăng từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sẽ đóng góp vào ngân sách góp phần cải thiện môi trường; từ đó tăng chất lượng sống của người dân, sức khỏe được cải thiện nên giảm chi phí khám chữa bệnh, nâng cao năng suất lao động, góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo, tăng tính gắn kết cộng đồng.

Một số lợi ích khi thực hiện tăng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải mà cơ sở có được đó là doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí phải trả cho nước sạch đầu vào, giảm chi phí xử lý nước thải, mức phí bảo vệ môi trường phải nộp thấp hơn. Kinh phí mà cơ sở tiết kiệm được sẽ bù một phần cho cơ sở khi thực hiện nộp phí bảo vệ môi trường (tiết kiệm được 1m3 nước sạch sẽ đủ trả phí bảo vệ môi trường cho 10m3 nước thải).

Đây là một trong những đề án triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần