TP Hồ Chí Minh đón Tết Kỷ Hợi 2019 với nhiều con đường rác

Cao Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ đến dịp cuối năm Âm lịch, các tổ chức và đơn vị quản lý môi trường triển khai quét giọn đường phố, thu gom rác thải, tạo cảnh quan đô thị sạch đẹp để người dân ăn tết đón xuân vui tươi. Hoạt động này thể hiện trách nhiệm của chính quyền trước đất nước và với người dân.

Trụ sở UBND Quận 7 - Ảnh chụp chiều 30 Tết
Nhằm phục vụ ăn Tết Nguyên đán vui tươi, trước Tết hàng năm UBND các tỉnh, TP thường có văn bản chỉ đạo các cấp, ngành triển khai công tác vệ sinh môi trường để chào đón năm mới. Ngày 18/12/2018 UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành “Chỉ thị về chăm lo tết Kỷ hợi năm 2019”, trong đó nêu rõ: “Sở tài nguyên môi trường, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện tổng vệ sinh môi trường trước tết, thu gom xử lý các loại thải rác, nạo vét khơi thông cống rãnh, chăm sóc cây xanh, làm sạch môi trường ở các đường phố, khu công cộng, công sở, khu dân cư, hộ gia đình,…”. Đó là trách nhiệm của chính quyền trước đất nước và với người dân. Tuy nhiên, việc triển khai trách nhiệm như thế nào trong thực tế là câu chuyện mới có ý nghĩa, nói đi đôi với làm.
Nhận xét cảnh quan Tết Kỷ Hợi 2019 tại TP Hồ Chí Minh, dường như mọi người tập trung nhiều đến sắc đẹp lộng lẫy ban ngày và huyền ảo ban đêm khi đi qua các đường phố trung tâm tại Quận 1 như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng khởi, Lê Duẩn,… Đặc biệt, TP Hồ Chí MInh đã đầu tư nhiều ý tưởng, kinh phí để xây dựng đường hoa lớn nhất trên phố đi bộ Nguyễn Huệ phải nói là tuyệt đẹp để phục vụ vui Xuân của người dân, kéo dài từ 2/2/2019 (28 tháng chạp) đến ngày 8/2/2019 (mùng 4 Tết).
Đường Tân Phú - Phú Mỹ Hưng, Quận 7 - Ảnh chụp chiều 30 Tết
Tuy vậy, bên cạnh sắc màu đẹp đẽ, sạch sẽ của đường phố các quận trung tâm, đâu đó đường phố các quận, huyện xa trung tâm hơn vẫn đón Tết Kỷ Hợi 2019 trong cảnh nhếch nhác rác thải hai mép bờ vỉa hè, chưa được thu gom. Một cảnh đối nghịch, trong khi công sở UBND quận, huyện, phường, xã được quét dọn sạch sẽ, trang trí đẹp mắt thì ngay gần đó, một số con đường vẫn đầy rác.
Trường hợp khác, đường Tân Phú thuộc khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) không một mẩu rác, thì chỉ cách đó 500m tại mép đường ngã tư Nguyễn Thị Thập và Huỳnh Tấn Phát cũng ở quận 7, rác thải lưu cữu từ lâu không được dọn.
Tình cảnh cha chung không ai khóc, 2 cây cầu nối Quận 7 và huyện Nhà Bè là cầu Phú Xuân, Phước Long (phía Nhà Bè) đến cả năm 2018 không thấy công nhân vệ sinh môi trường một lần thu gom rác thải. Việc quét giọn và thu gom rác đường phố đón tết không tốn kém chi phí nhiều, vấn đề là các đơn vị liên quan thực sự có trách nhiệm hay không.
Ngã tư Nguyễn Thị Thập - Huỳnh Tấn Phát, Quận 7 - Ảnh chụp chiều mùng 1 Tết
Cầu Phước Long nối Quận 7 và Huyện Nhà Bè - Ảnh chụp chiều 30 Tết
Rác thải 2 bên mép bờ vỉa hè như vài dẫn chứng nêu trên không chỉ câu chuyện của Tết, mà đó là bức xúc hàng ngày của người dân khi phải lưu thông qua những con đường như thế này. Người ta hay nói TP Hồ Chí Minh là “Hòn ngọc viễn đông” trong quá khứ, điều đó dường như chỉ còn ý nghĩa với các quận trung tâm. Thực tế các quận, huyện xa trung tâm bên cạnh nạn rác thải, là nạn kẹt xe, triều cường, làm cho cuộc sống đô thị tại đây thua cả TP các tỉnh lẻ.

Người dân kỳ vọng rất nhiều về cải thiện môi trường đô thị khi TP Hồ Chí Minh được hưởng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, người dân phải đóng phí bảo vệ môi trường nhiều hơn so với mặt bằng phí tại các đô thị khác, cũng đồng nghĩa họ có quyền được hưởng môi trường sạch và an toàn hơn; Công viên chức TP Hồ Chí Minh được hưởng thu nhập gấp 1,8 lần so với mặt bằng thu nhập của công viên chức cả nước, cũng đòi hỏi trách nhiệm phục vụ cao lên 1,8 lần. Thực tế không được như vậy, thử hỏi cơ chế đặc thù có để phục vụ người dân tốt hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần