TP Hồ Chí Minh: Dự án bất động sản “ma” bùng phát trên diện rộng

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phân lô bán nền trái phép, ngang nhiên qua mặt cơ quan chức năng vẽ ra hàng loạt dự án để lừa bán cho khách hàng… dự án “ma” đang diễn biến phức tạp trên địa bàn các quận Bình Tân, Bình Chánh, quận 9, quận 12, quận 7, quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn TP Hồ Chí Minh.

Dự án “ma” giăng bẫy khắp nơi
Vụ việc Công ty Alibaba bán dự án “ma” và chống lệnh cưỡng chế của chính quyền một số địa phương tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… vẫn chưa hết nóng thì các dự án "ma" lại tiếp tục rầm rộ xuất hiện tại nhiều quận/huyện vùng ven TP Hồ Chí Minh.
Mới đây nhất, có thể kể đến là vụ việc hàng trăm người dân kéo tới UBND xã Đông Thạnh và Nhị Bình (huyện Hóc Môn) để báo việc mình bị lừa mua đất nền tại một dự án mang tên “Khu dân cư mở rộng Hóc Môn” tại hai xã này.
Cụ thể, dự án “ma” này có 330 nền, mỗi nền có giá hơn 600 triệu đồng và đã bán hết cho người dân. Trong đó tại xã Đông Thạnh, có khoảng 260 nền và khoảng 70 nền tại xã Nhị Bình. Ước tính, tổng số tiền do các đối tượng lừa đảo thu của khách hàng lên đến gần 100 tỷ đồng.
Đất nông nghiệp được đầu nậu thu mua và ngang nhiên phân lô bán nền trái phép tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.
Để đối phó với tình hình, UBND huyện Hóc Môn đã phải lên tiếng cảnh báo về 13 khu đất nông nghiệp bị tự ý phân lô, làm bản vẽ tổng mặt bằng rồi giới thiệu, quảng cáo, rao bán, nhận đặt cọc, kêu gọi góp vốn... trên địa bàn huyện. Các dự án "ma" này tập trung nhiều ở các xã Đông Thạnh (5 khu), Xuân Thới Thượng (4 khu), Nhị Bình (4 khu)...
Hay như trước đó, vào khoảng tháng 4/2019, UBND phường Linh Trung (quận Thủ Đức) đã phát văn bản "về việc mua bán đất nền có dấu hiệu lừa đảo tại tổ 5, khu phố 6". Vị trí dự án được các đối tượng vẽ ra, rao bán là khu đất trống nằm ngay trong khu quy hoạch của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đang chờ thực hiện chính sách đền bù, giải tỏa.
Sự việc tương tự cũng xảy ra tại một khu đất 4.000m2 quy hoạch là công viên cây xanh, thể dục thể thao nằm trong hẻm 38 Nguyễn Sơn, phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú), mà UBND phường cũng đã lên tiếng cảnh báo.
Tình hình tương tự cũng đang xảy ra tại quận 12, UBND quận này phải liên tục ra thông tin cảnh báo về các trường hợp phân lô bán nền trái phép trên địa bàn quận. Nhiều nhất là ở phường Thạnh Xuân với 10 khu đất bị phân lô trên giấy rao bán, phường Hiệp Thành có 1 khu.
Đặc biệt tại huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết phải cắm 500 biển báo khắp các xã để cảnh báo người dân, vì không có dự án nào như đang rao bán trên mạng internet.
Sau quá trình kiểm tra, UBND quận Bình Tân cũng đã đưa ra cảnh báo mới đến người dân, về việc trên địa bàn quận Bình Tân hiện có 9 khu đất qua thông tin quảng cáo là dự án đất nền, nhà ở nhưng thực chất không có pháp lý và đang có dấu hiệu phân lô trái phép bán lại cho người dân. Cụ thể, : Bình Hưng Hòa B (3 khu), Tân Tạo (2 khu), Bình Hưng Hòa A, Tân Tạo A, Bình Trị Đông A (mỗi phường một khu).
Một trong những doanh nghiệp được phản ánh vẽ nhiều dự án "ma" tại TP Hồ Chí Minh là Công ty Angel Lina. Đơn vị này đã vẽ dự án trên giấy của ít nhất 8 khu đất khác nhau để huy động vốn của khách hàng. Có người mua đất để ở, có người mua để đầu tư, có gia đình rủ nhau mua hơn 10 nền vì giá đất rẻ so với giá chung của khu vực…Sau khi xuống tiền mua đất tại những nơi này, không ít khách hàng bị lừa mất trắng tiền.
Nói về tình trạng ngày một xuất hiện nhiều dự án “ma” trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP (Horea) cho rằng, rõ ràng dự án “ma” là cụm từ không mới đối với thị trường bất động sản phía Nam, dù đã được truyền thông và chính quyền địa phương cảnh báo nhiều lần nhưng không ít người vẫn “tự nguyện” chui đầu vào bẫy. Có thể xuất phát từ nhu cầu chính đáng và tâm lý muốn được sở hữu nhà, đất của người dân; tâm lý hám lợi của nhà đầu tư, sẵn sàng chấp nhận mua đất chưa có pháp lý với hy vọng sau này sẽ hợp thức hóa bằng cách nào đó…
 Chính quyền Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân treo biển cảnh báo cho người dân không mua các dự án “ma”.
Hậu quả nặng nề!
Theo nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, nguyên nhân xảy ra tình trạng dự án “ma” đến từ việc thị trường bất động sản tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua khan hiếm nghiêm trọng nguồn cung đất nền. Nhu cầu mua đất nền phân lô luôn cao, nhưng nguồn hàng thì lại nhỏ giọt, dẫn tới các đối tượng môi giới lợi dụng “cơn khát” này để lừa đảo trục lợi.
Để chiêu dụ, chiếm đoạt tài sản của những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, hàng loạt dự án “ma” được vẽ, rao bán công khai, xem thường pháp luật, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trong đó có rất nhiều trường hợp khách khách hàng gom hết tài sản tích cóp và vay mượn thêm để mua đất. Nay tiền mất, đất không xây được nhà, nợ nần chồng chất, nhiều người lâm cảnh trắng tay.
Ông Quách Mộc Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP bất động sản An Lạc Tân cho biết, trong các năm 2016 tới 2019, nhiều doanh nghiệp bất động sản đua nhau thành lập, trong khi đó, nguồn hàng từ năm 2017 tới nay giảm sút nghiêm trọng, dẫn tới cảnh doanh nghiệp quẫn trí làm liều.
“Có doanh nghiệp mua được quỹ đất, hoặc bắt tay với nhà đầu tư có quỹ đất lớn, rồi tự ý phân lô bán. Với mục đích bán trước làm sau, khi thu được tiền sẽ lấy tiền này đóng tiền sử dụng đất, tiền lập dự án, tiền làm hạ tầng để nộp hồ sơ pháp lý cho chính quyền địa phương. Đây là hình thức “mỡ nó rán nó”, lấy trước tiền của khách hàng làm dự án, từng diễn ra rất nhiều tại các tỉnh lân cận TP, chính cách làm này đã đẩy mọi rủi ro về phía khách hàng”, ông Tân nói.
Đồng quan điểm, Luật sư Lê Ngô Trung, Luật sư cao cấp của Công ty Luật Vega nhận định, việc các “cò” đất, công ty môi giới bất động sản ngang nhiên vẽ dự án “ma”, rao bán là trái pháp luật. Cách xử lý của các cơ quan chức năng hiện nay chủ yếu mang tính chất tuyên truyền, giải quyết hậu quả, trong khi lẽ ra phải có giải pháp ngăn chặn ngay từ đầu.
“Việc dự án “ma” ngày càng nhiều dễ dẫn đến mầm họa lớn cho xã hội. TP cần hình thành những tổ chức tư vấn pháp lý các dự án đang mở bán cho người dân nắm rõ, góp phần cảnh tỉnh khi tiến hành giao dịch nhà đất”, Luật sư Trung kiến nghị.
Ngoài ra, luật sư Trung cũng đưa ra khuyến cáo, khi quyết định mua đất, người dân cần tìm hiểu kỹ pháp lý của khu đất dự án, mà đơn giản nhất là lên UBND xã, phường để hỏi xem dự án có thật hay không.
“Để không mắc lừa mua dự án "ma", khách hàng nên yêu cầu chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp môi giới cho coi sổ đất toàn khu. Nếu đất phân lô đã có sổ từng lô rồi cũng cần yêu cầu chủ đầu tư đưa ra hoặc đất đang làm thủ tục pháp lý tách sổ thì xem giấy nhận hồ sơ, giấy hẹn trả kết quả của cơ quan chức năng theo nội dung chấp thuận cho phân lô và thời hạn nhận sổ từng lô. Nếu đầy đủ pháp lý thì an tâm mua, còn không thì nên cảnh giác”, luật sư Trung nói.
Thiết nghĩ, để dập những dự án “ma", cơ quan quản lý nhà nước phải kiên quyết xử lý, kể cả hình sự, những hành vi sai phạm pháp luật, nhằm cảnh tỉnh người cố tình làm sai, lập lại trật tự cho thị trường bất động sản nói riêng cũng như an ninh trật tự xã hội nói chung.

Một số rủi ro khi mua phải dự án “ma”

Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Lê Ngô Trung, Luật sư cao cấp của Công ty Luật Vega cho biết, thông thường, người dân khi nghe và tin những lời quảng cáo về khả năng mang lại lợi nhuận cao nếu đầu tư tại các dự án, sẽ bỏ qua việc xem xét đến các yếu tố như: khả năng tài chính, uy tín của chủ đầu tư và nhất là không xem xét kỹ về pháp lý của dự án mà họ định đầu tư. Điều này sẽ dẫn đến rất nhiều rủi ro và hệ lụy khó lường về sau. Với trường hợp chủ đầu tư không có khả năng tài chính hoặc không thể hoàn thành thủ tục pháp lý để tiếp tục thực hiện dự án này, thì người mua dù có tiếp tục thanh toán thì chủ đầu tư cũng không có khả năng thực hiện dự án, mà ngừng thanh toán thì xem như vi phạm hợp đồng và bị mất tiền.

Nhiều trường hợp, khi khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền thì lại gặp phải vấn đề pháp lý của các hợp đồng mà chủ đầu tư đã yêu cầu ký kết trước đó như hợp đồng đặt cọc giữ chỗ, hợp đồng hứa mua hứa bán hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư …; lúc này, việc bảo vệ quyền lợi cho người mua cũng không phải là điều dễ dàng. Chưa kể trường hợp cho dù có thắng kiện, thì chủ đầu tư cũng không còn tiền để hoàn lại.