TP Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về số vụ tai nạn lao động

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/4, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cho biết đã có 8.956 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 9.173 người bị nạn trong năm 2017.

Người lao động đang được hỗ trợ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
Trong năm 2017 đã có 928 người chết vì TNLĐ, 1.915 người bị thương. Trong 10 địa phương có số người chết vì TNLĐ (cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động), TP Hồ Chí Minh chiếm nhiều nhất với 1.517 vụ, 1.535 người bị nạn, 123 người chết, 306 người bị thương nặng.
Hà Nội đứng thứ 5 về số vụ TNLĐ (383 vụ), nhưng lại nhiều thứ 2 về số người chết vì TNLĐ (66 người).

Bộ LĐTB&XH phân tích các vụ TNLĐ từ các biên bản điều tra TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động, kết quả cho thấy, loại hình công ty cổ phần chiếm 40% số vụ tai nạn chết người và 40,9% số người chết. Tiếp đến là loại hình công ty TNHH với tỷ lệ tương ứng 29,23% và 29,19%.

Tính theo lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người thì Xây dựng chiếm cao nhất với 20,8% tổng số vụ tai nạn và 19,7% tổng số người chết. Thứ hai là lĩnh vực Sản xuất vật liệu xây dựng 9,2% tổng số vụ và 8,8% tổng số người chết.

Trong các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người thì người sử dụng lao động chiếm 45,41% (không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện an toàn hoặc huấn luyện chưa đầy đủ cho người lao động; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động).

Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ từ phía người lao động chiếm 20%, chủ yếu do vi phạm quy trình chuẩn an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng thông tin, báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do TNLĐ năm 2017, gồm chi phí tiền thuốc, mai táng, bồi thường cho gia đình người chết, người bị thương là 1.541 tỷ đồng. Thiệt hại về tài sản do TNLĐ gây ra 4,8 tỷ đồng và có 136.918 ngày nghỉ vì TNLĐ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần