TP Hồ Chí Minh: Giá bán căn hộ tăng kỷ lục

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019 cũng là năm thứ hai, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản lại phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Song tại TP Hồ Chí Minh, giá bán căn hộ chung cư đã tăng kỷ lục trong năm 2019.

Thị trường giảm sút
Số liệu thống kê của Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, trên địa bàn TP có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra.
Qua kiểm tra, rà soát đã có124 dự án được vận hành trở lại, nhưng trên thực tế hầu hết các dự án này vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường. Năm 2019, chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 92% so với năm 2018; 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, giảm 85%; 16 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận đầu tư”, giảm 64 dự án, giảm 80%.
 Sản phẩm căn hộ chung cư tại TP Hồ Chí Minh có giá bán cao kỷ lục trong năm 2019 (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 47, giảm 14,1% so với năm 2018. Trong năm không có dự án nhà ở xã hội mới và chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội cũ với 2.281 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết, mặc dù tính thanh khoản tại thị trường TP Hồ Chí Minh vẫn tương đối tốt, gần 100% căn hộ trung cấp, căn hộ bình dân đã được tiêu thụ và có những dự án nhà ở cao cấp có tỷ lệ tiêu thụ lên đến hơn 60% trong năm 2019. Nhưng hoạt động kinh doanh cho thuê nhà đã có dấu hiệu sụt giảm hiệu quả đầu tư, tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt bằng hoặc thấp hơn lãi suất tiết kiệm, nên sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS thứ cấp trong những năm sắp tới.
Dự nợ tín dụng cho vay để đầu tư kinh doanh BĐS trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến hết năm 2019 khoảng 288.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2018 và chiếm khoảng 12% tổng dư nợ. Nếu tính cả phần cho vay tiêu dùng có liên quan bất động sản (vay xây nhà, sửa nhà nhưng thường có khoảng 38% chuyển qua kinh doanh bất động sản) thì tổng dư nợ tín dụng bất động sản có thể chiếm đến 16%” – ông Châu cho hay.
Giá tăng kỷ lục
Một số liệu khác từ Hội môi giới BĐS Việt Nam, mặc dù nguồn cung sản phẩm tại thị trường TP Hồ Chí Minh đã giảm mạnh so với năm 2019, nhưng tỷ lệ hấp thụ lại ở mức cao hơn. Theo đó, năm 2018 tỷ lệ hấp thụ tại thị trường này đạt 69,1%, thì năm 2019 đạt 85%, tăng 15,9% so với năm 2018.
Đáng chú ý là từ quý II/2019, thị trường TP Hồ Chí Minh không còn căn hộ giá thấp (căn hộ có giá bán dưới 25 triệu đồng/m2, theo quy ước của Hội môi giới BĐS – PV), do giá bán đã được đẩy lên cao. Giá bán căn hộ trung cấp năm 2018 đạt 29,7 triệu đồng/m2, nhưng năm 2019 tăng lên 35,4 triệu đồng/m2, tăng bình quân 19%. Đặc biệt, giá bán căn hộ cao cấp có sự chênh lệch lớn tại một số khu vực, có dự án cao cấp giá bán lên tới 250 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, số liệu thống kê chi tiết hơn từ HoREA đã chỉ ra rằng, bình quân giá bán căn hộ tại thị trường này tăng từ 15 – 20%. Nhưng cá biệt tại một số dự án tại quận 9 có giá bán tăng kỷ lục, đạt 39%.
“Số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn, giấc mơ có nhà ở ngày càng xa vời. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp BĐS đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhìn nhận.
Theo đánh giá, sở dĩ giá BĐS tại TP Hồ Chí Minh tăng cao trong thời gian gần đây, một phần do nguồn cung trên thị trường bị giảm sút. Nhưng bên cạnh đó thị trường này có lợi thế do đã được đầu tư hạ tầng trong một thời gian dài, các DN và Tập đoàn lớn quốc tế đều có văn phòng đại diện tại đây; cùng với đó, nhũng TP vệ tinh quanh khu vực Đông Nam Bộ, như: TP Biên Hòa (Đồng Nai), TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) thị xã Thuận An (Bình Dương)… có sự bứt phá mạnh mẽ về công nghiệp, dịch vụ trong thời gian gần đây đã tạo sự cộng hưởng cho thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh tăng trưởng.

TP Hồ Chí Minh do đặc thù về ví trí nên cũng tạo ra sự phát triển đa dạng về các sản phẩm BĐS hơn so với Hà Nội. Việc nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào TP này cũng giúp cho giá bán BĐS cao hơn.

Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) – TS Đoàn Văn Cương

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần