“BOT - Từ góc nhìn đa chiều”

Bài, ảnh: Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là chủ đề hội thảo do Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam, Tạp chí Logistics tổ chức vào chiều 17/10.

BOT cần thiết để phát triển hạ tầng

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển (chuyên gia tài chính) cho biết, những nước đang phát triển rất cần đầu tư hạ tầng, vì vậy cần nhiều nguồn lực. Bởi vậy, BOT là mô hình được nhiều nước trên thế giới phát triển từ Bắc Mỹ cho đến châu Âu và châu Á. Tại Đài Loan hạ tầng giao thông rất phát triển và đây là lãnh thổ khá thành công khi đầu tư theo hình thức BOT.

  Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật (thứ 3 từ trái sang) đang phát biểu

“Tuy nhiên, cũng có nhiều quốc gia thất bại về BOT, như Mexico có trên 50 dự án được triển khai rầm rộ, nhưng không có tính nghiêm túc nên chỉ có vài dự án thành công, số còn lại Chính phủ Mexico phải “ôm” lên tới 8 tỷ USD. BOT là mô hình thích hợp cho các nước đang phát triển, nhưng để thành công phải có tính chuyên nghiệp khi lập dự án.

Trước kia tôi từng tham gia một số dự án trọng điểm ở phía Nam, như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương lúc đầu cũng xảy ra nổ bánh xe nhưng qua thời gian đã đem lại hiệu quả tốt về kinh tế. Hay cao tốc Long Thành - Dầu Giây cũng là dự án đem lại hiệu quả, cao tốc lên dự án từ những năm 1995, do không có vốn nên dừng. Sau khi có BOT đã kết nối được TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông, đem lại lợi ích lớn cho xã hội. Tuy nhiên, cũng có BOT mà theo tôi là sai như Cai Lậy, bởi nếu nó đúng thì nhân dân không phản đối”, Tiến sĩ Hiển nói.

Khao khát có đường cao tốc

Có mặt tại hội thảo, ông Lại Xuân Môn - Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng rất quan tâm hội thảo. Cao Bằng có 8 lợi thế, có 330km đường biên giới với Trung Quốc với nhiều cửa khẩu, có khí hậu tốt… Mỗi năm các xe chở hàng vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu ở Cao Bằng khoảng 2,5 tỷ USD, giải quyết được hàng chục triệu lao động ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

“Hiện Cao Bằng có 3 điểm nghẽn, trong khi phía Trung Quốc đã làm cao tốc đến sát các cửa khẩu. Vì vậy chúng tôi khát khao có đường cao tốc để phát triển kinh tế, củng cố an ninh - quốc phòng, xây dựng phòng thủ khu vực. Nếu có cao tốc, Cao Bằng chỉ cần 5-6 năm sẽ cân bằng ngân sách. Trước mong muốn của Cao Bằng, vào tháng 1/2017 Thủ tướng Chính phủ đã đặt vấn đề phải xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, dài khoảng 144km, tổng đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Mới đây Thủ tướng tiếp tục làm việc với Lạng Sơn về cao tốc này nên chúng tôi mời nhà đầu tư chiến lược lên khảo sát, giải phóng tuyến thì giảm xuống được 30km.

Tuy nhiên, do nguồn lực về vốn chưa đủ, phải tìm nhà đầu tư chiến lược nên quy hoạch phải đến sau năm 2030 mới làm cao tốc này. Vì thế chúng tôi cũng đã đề nghị với Bộ Chính trị, Bộ GTVT thay đổi quy hoạch; đề nghị làm 2 cao tốc và nên làm cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trước”, ông Lại Xuân Môn, nói.

Rà soát tất cả các dự án BOT

Trong khi đó, ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT khi được hỏi nguyên nhân tài xế phản ứng tại một số dự án BOT, giải pháp nào tốt nhất để giải quyết hài hòa? Ông Nhật cho rằng năm 2016, Thủ tướng đã có tổng kết các dự án BOT cho thấy trước đây khi triển khai các dự án BOT thì lúc đó luật chưa có, chỉ dựa Nghị định 108/2007/NĐ-CP năm 2007 của Chính phủ. Khi triển khai các dự án BOT, tất cả các đơn vị đều chưa có kinh nghiệm trong tất cả các vấn đề. Ví dụ, BOT Cai Lậy thay vì phải lấy ý kiến của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chỉ lấy ý kiến của Tiền Giang.

“Từ năm 2016, Bộ GTVT đã dừng 13 dự án, hiện tôi đã tiếp 112 đoàn Thanh tra Chính phủ, kiểm toán, Đoàn giám sát của Quốc hội… và có tới 108 kết luận. Chúng tôi cho kiểm toán và rà soát hết các dự án BOT theo Chỉ thị 35 của Chính phủ. Đối với những dự án không đạt tiến độ, kém chất lượng thì khâu nào sai, khâu đó chịu trách nhiệm vì trong 1 công trình có các khâu thiết kế, thi công, giám sát. Đối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không phải BOT mà vay của Nhật, hiện đang thanh tra đang vào kiểm tra xem hư hỏng chỗ nào, do thiết kết hay tư vấn, thi công… Về chất lượng tất nhiên trước mắt Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Chúng tôi không đùn đẩy cho ai”, thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

68 dự án BOT với tổng đầu tư 208.000 tỷ đồng

Những năm qua hình thức đầu tư BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, BOT là chủ trương đúng đắn, giúp đất nước phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông, mang lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội. Qua hơn 20 năm triển khai, đến tháng 5/2018, Việt Nam có 68 dự án giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn gần 208.000 tỷ đồng. Nhiều dự án sau khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, giảm ùn tắc - tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước cũng như người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần