TP Hồ Chí Minh: Kho dữ liệu dùng chung là bước tiến nhảy vọt trong quản lý đô thị

HUY KHÁNH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/9, Sở Thông tin Truyền thông đã tổ chức “Hội nghị triển khai thí điểm bản đồ số dùng chung của TP” nhằm lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành và 24 quận huyện để hoàn thiện trước khi trình cho UBND TP xem xét.

Bản đồ số dùng chung sẽ là bước tiến nhảy vọt trong quản lý đô thị của TP Hồ Chí Minh, giúp TP tiệm cận trình độ quản lý đô thị của các quốc gia phát triển.
Theo kế hoạch của TP, kho dữ liệu dùng chung của TP sẽ triển khai dựa trên 3 trụ cột: Dữ liệu người dân, dữ liệu doanh nghiệp và dữ liệu bản đồ số.
Theo bà Võ Thị Thu Trinh – Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông (đơn vị được TP giao làm đầu mối điều phối thực hiện kế hoạch), hiện nay dữ liệu về dân cư đang được Công an TP thực hiện; dữ liệu về hộ tịch đang được Sở Tư pháp thực hiện.
Dự kiến đến tháng 6/2020 sẽ hoành thành dữ liệu về người dân. Riêng với bản đồ số hiện nay đang được ráo riết thực hiện. Dự kiến cuối 2020 vận hành cơ sở dữ liệu về người dân, bản đồ, doanh nghiệp. Kho dữ liệu dùng chung sẽ được cập nhật thường xuyên, đúng với hiện trạng TP.
Kho dữ liệu dùng chung sẽ gồm 2 phần, phần để phục vụ công tác quản lý và một phần là hệ sinh thái dữ liệu để phục vụ người dân, ai cũng có thể tiếp cận. Người dân có thể biết được rất nhiều thông tin, chẳng hạn họ đang cư trú tại địa điểm A, họ sẽ biết xung quanh địa điểm A đó hệ thống giáo dục, y tế, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ xã hội như thế nào...?
Các đại biểu tham gia Hội nghị triển khai thí điểm kho dữ liệu dùng chung. Ảnh: Huy Khánh
Cơ sở dữ liệu dùng chung không phải là điều mới mẻ đối với các quốc gia phát triển nhưng rất mới mẻ ở Việt Nam. Bản đồ số tích hợp toàn bộ dữ liệu về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị, bản đồ địa chính, địa hình, bản đồ giao thông... Sau khi có bản đồ số, sẽ là một bước tiến về quản lý đô thị, cơ quan quản lý từng ngành có thể có được những thông tin cần thiết mà không phải chạy đi xin chỗ nọ chỗ kia. Các nhà quản lý có thể biết được bên dưới mặt đất tại một địa điểm A nào đó có hạ tầng ngầm nào không; Khu đất B được quy hoạch cho mục đích gì, có tuyến đường dự phóng nào không? Các địa phương chỉ cần sử dụng bản đồ số dùng chung sẽ biết thửa đất C nào đó thuộc quyền sử dụng của ai.
Cơ quan quản lý đô thị có thể biết được công trình xây dựng H nào đó có xây dựng sai phép hay không...? Nói chung tất tần tật thông tin cần thiết phục vụ cho việc quản lý đô thị, quản lý xã hội sẽ được tích hợp trong bản đồ số.
Tại buổi hội thảo, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho rằng: “Rất ủng hộ  bản đồ số dùng chung tích hợp đầy đủ thông tin, cần phải làm nhanh”.
Ông Nguyễn Hồng Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Sở Giáo dục Đào cho rằng, bản đồ số dùng chung, là một mong mỏi của ngành giáo dục. Hiện nay ngành giáo dục đang có trong tay một cơ sở dữ liệu đầy đủ về hệ thống trường lớp trên địa bàn TP. Có cơ sở dữ liệu có rồi, cơ sở dữ liệu này cần được cung cấp cho người dân một cách hiệu quả thông qua kho dữ liệu dùng chung. Đặc biệt, là trong việc chọn trường học phù hợp với nhu cầu của phụ huynh.
Ông Cao Nguyên Hiển - chuyên gia cố vấn Chính phủ điện tử cho rằng: “Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, TP Hồ Chí Minh cần có cơ sở dữ liệu dùng chung là việc rất cấp bách để dân chúng và doanh nghiệp sử dụng."
Ông Trần Công Luận – Phó trưởng phòng quản lý đô thị huyện Nhà Bè cho rằng, qua quá trình công tác cấp phép xây dựng, bản thân thấy tính cấp thiết cần có bản đồ số dùng chung, đây là xu hướng tất yếu, hiện nay mới triển khai là hơi chậm. Nếu có bản đồ số dùng chung sẽ phục vụ cho công tác cấp phép xây dựng, quản lý đô thị hiệu quả hơn hiện nay rất nhiều.