TP Hồ Chí Minh: Khó khăn chồng chất, khách sạn được rao bán nhiều chưa từng thấy

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không thể gánh gồng với khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, số lượng khách sạn ở khu trung tâm TP Hồ Chí Minh được rao bán nhiều chưa từng thấy.

Khách sạn hàng trăm tỷ tìm khách trên mạng
“Hiện tại bên công ty của mình có danh sách và thông tin tất cả khách sạn đang cần bán ở các tuyến đường Bùi Thị Xuân, Lê Thị Riêng, Bùi Viện, Lý Tự Trọng, Thi Sách, Thủ Khoa Huân... Đây là điều chưa từng có, có những tuyến đường như Bùi Thị Xuân… bảo đảm trước năm 2020 sẽ không có hàng bán ra thị trường…”, chị Lê Thị Lệ Hằng - nhân viên môi giới bất động sản của Công ty Thiên Minh Capital tiết lộ với phóng viên Kinh tế & Đô Thị.
  Hàng loạt khách sạn chiếm vị trí đất vàng được rao bán trên Facebook
Trên trang Facebook của Công ty Thiên Minh hiện nay đang niêm yết chào bán một lúc gần 20 khách sạn có giá từ vài chục tỷ đến gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó có rất nhiều khách sạn lớn toạ lạc tại các con đường trung tâm TP như Lý Tự Trọng, Thái Văn Lung, Nguyễn Trãi của quận 1…
Tại một số doanh nghiệp môi giới mua bán bất động sản lớn khác mà phóng viên báo Kinh tế & Đô thị khảo sát, số lượng khách sạn cần bán hiện nay là rất lớn, có sàn giao dịch đang nắm trong tay danh sách hơn 30 khách sạn cần bán.
Anh Mạc Anh Khoa - nhân viên môi giới của một công ty khá có tiếng ở TP Hồ Chí Minh cho biết, các bất động sản lớn, giá trị lên đến hàng trăm tỷ thông thường được mua bán thông qua những kênh chuyên biệt, khách hàng mua những bất động sản này cũng rất đặc biệt. Trước đây, các doanh nghiệp môi giới, thông qua các mối quan hệ, chào trực tiếp cho các khách hàng tiềm năng. Những người làm trong nghề môi giới mua bán các bất động sản giá trị hàng trăm tỷ này ai cũng nhận thức được, việc cầu may tìm được khách mua các tài sản lớn thông qua các nền tảng mạng xã hội là điều khó hơn ''tìm kim đáy bể''. Đây là loại hình tài sản, thông thường không có thông tin mua bán trên các mạng mua bán hay báo chí… thế nhưng trong cơn ''tuyệt vọng'' hiện nay, nhiều người, nhiều doanh nghiệp môi giới đã phải nhờ đến các kênh truyền thông đại chúng để quảng bá bán hàng như Facebook, Youtube… Khách sạn trị giá hàng trăm tỷ đồng được niêm yết chào bán không khác một món hàng gia dụng hàng ngày.
Không thể cầm cự
Lý giải cho hiện tượng số lượng khách sạn chào bán ồ ạt, nhiều chưa từng thấy, chị Lê Thị Lệ Hằng cho biết: “Hiện tại theo cách nhìn của tôi, thị trường kinh doanh lưu trú đang trong tình trạng khó khăn và chưa nhiều biến đổi so với năm 2020. Các doanh nghiệp - chủ sở hữu tư nhân đang trong tình thế phòng thủ hoặc lao đao vì phải gánh nhiều khoản chi phí trong khi không thể hoạt động.
Nhiều chủ sở hữu có vay vốn ngân hàng thì đang phải gồng gánh khoản lãi khá lớn mỗi tháng. Các doanh nghiệp nước ngoài đang đổ vào Việt Nam để thâu tóm các tòa nhà lớn cũng như các khách sạn 4 - 5 sao trở lên rất nhiều. Họ hiểu rõ được tình hình của các chủ sở hữu khách sạn hiện tại nên giá giao dịch sẽ rất thấp và hầu như trừ các khoản chỉ chủ sở hữu khách sạn còn lại không nhiều. Nhưng cũng có 2 trường hợp đó là những chủ sở hữu có sẵn nguồn vốn mạnh thì họ không cần bán. Trả giá cao cũng không bán vì tương lai khi thị trường này hồi phục thì nó là "cây hái tiền". Còn chủ sở hữu đang trong tình trạng thiếu vốn thì họ một là buông nhanh bán rẻ thu hồi vốn, hau là cố trụ hi vọng có chuyển biến nhanh... nhưng ai cũng hiểu rõ tình hình, để thị trường này hồi phục lại sẽ cần một khoảng thời gian tương đối dài và họ cần cân nhắc kỹ bài toán tài chính”.
 Phố Bùi Thị Xuân, theo ghi nhận chỉ một đoạn đường ngắn mà có gần một chục khách sạn cần bán
Anh Mạc Anh Khoa cho rằng, trong 10 năm qua, các tuyến đường khu trung tâm TP Hồ Chí Minh như Bùi Thị Xuân, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Du, Lê Thánh Tôn, Thái Văn Lung… đã dần hình thành một ngành nghề đó là kinh doanh khách sạn. Các tuyến phố khách sạn hình thành rõ nét, điều đó cho thấy đầu tư vào kinh doanh khách sạn là một xu hướng khá rõ ràng và hiệu quả.
Tuy nhiên, trong suốt 2 năm qua, ngành kinh doanh khách sạn là ngành “te tua” nhất. Những chủ khách sạn đang trong giai đoạn phải trả vốn vay đầu tư bị tác động nặng nhất, thành quả làm ăn tích cóp không biết bao nhiêu năm, bị mất sạch trong đại dịch. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải bán khách sạn để trả vốn vay. Đây là thời điểm thuận lợi cho người mua và khó khăn cho người bán.
“Đây là khoảng thời gian vàng của các cuộc giao dịch. Người có tiền thu vào, người cần tiền thì bán ra; Bán cái lớn, mua cái nhỏ... Trong tình hình này ai có sẵn tài chính mà đầu tư vào bất động sản là khách sạn sẽ hưởng lợi trong tương lai khi đại dịch được khống chế”, chị Lê Thị Lệ Hằng nhận định.
Về biến động giá của các bất động sản có giá trị lớn, chị Lê Thị Lệ Hằng cho biết: “Giá chào bán các khách sạn hiện nay là mặt bằng giá thị trường thời điểm trước dịch. Giá bán không thể xác nhận vì tùy vào sự thiện chí bán của chủ, nói chung là không có một xu hướng rõ ràng, tuy nhiên, bên tôi có môi giới thành công một khách sạn chủ rao bán 165 tỷ đồng nhưng giá giao dịch thực sự chỉ ngoài 100 tỷ đồng. Giá cả được quyết định tùy vào tình hình tài chính của chủ sở hữu nên rất khó để đánh giá và đưa ra một nhận định chung cho toàn bộ thị trường”.