TP Hồ Chí Minh: Không khí sáng nay (16/1) có hại cho sức khoẻ

THIỆN AN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 16/1, tại các điểm quan trắc, ngưỡng cảnh báo ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh ở ngưỡng màu tím - có hại cho sức khỏe.

Lúc 8h sáng ngày 16/1, theo ứng dụng Air Visual cho thấy, không khí TP Hồ Chí Minh ở ngưỡng màu đỏ, đứng thứ 8 (Hà Nội đứng thứ 34) trong top 10 bảng xếp hạng những thành phố ô nhiễm không khí trên toàn cầu.
 Chất lượng không khí tại TP Hồ Chí Minh trong sáng nay (16/1) đang ở tình trạng báo động, nguy hại cho sức khoẻ.
Với kết quả đo lường này, TP Hồ Chí Minh đã "vượt mặt" Hà Nội trên bảng xếp hạng những thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu (theo Air Visual), đứng vị trí thứ 8, trong khi Hà Nội xếp thứ 34.
Trong nửa cuối năm 2019, người dân TP phải đối mặt với nhiều đợt không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí thực hiện, ô nhiễm không khí tại TP đến từ 3 nguồn chính: Nguồn giao thông chiếm khoảng 50%, nguồn diện (hoạt động từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng...) chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn điểm (hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn).
Trao đổi với PV, một bác sĩ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể gây ảnh hưởng sức khỏe vĩnh viễn như phổi lão hóa nhanh, giảm chức năng hô hấp của phổi. Thêm vào đó là sự phát triển của các bệnh như hen suyễn, viêm phế quản, có thể là ung thư, rút ngắn tuổi thọ.
"Mức độ ô nhiễm không khí cao có thể gây ra các vấn đề sức khỏe ngay lập tức. Với người đang mắc bệnh tim mạch và hô hấp thì bệnh sẽ nặng thêm khi tim và phổi phải làm việc nhiều hơn để cung cấp oxy cho cơ thể, làm tổn thương các tế bào của cây khí phế quản", bác sĩ này lý giải.
Đồng thời, bác sĩ cũng nhấn mạnh mức độ ô nhiễm không khí thường cao hơn vào những ngày nắng nóng. Vì vậy, người dân nên tránh những hoạt động ngoài trời hoặc chỉ tiến hành vào buổi sáng khi mức độ ô nhiễm thấp hơn.
Đối với không khí trong nhà, người dân có thể trang bị các máy lọc không khí. Tuy nhiên cần tránh các loại máy lọc không khí thải ra ozon, vì nó góp phần làm tăng ô nhiễm không khí.
Khi ra ngoài trời vào những ngày ô nhiễm, có thể sử dụng các khẩu trang như N-95 hay P-100. Đặc biệt, đối với những người đã có bệnh tim mạch hay hô hấp mạn tính, cần tìm đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có kế hoạch dự phòng tốt hơn.