TP Hồ Chí Minh: Không thể chậm trễ hơn nữa với vi phạm trật tự xây dựng

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị sơ kết 3 tháng thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.

Theo đó, hôm nay (12/12), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 tháng thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự chuyển biến quan trọng ban đầu khi cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, các quận huyện đã ban hành nghị quyết thực hiện Chỉ thị 23.
“Việc này không thể chậm hơn nữa, nếu không sẽ để lại hậu quả ngày càng lớn hơn. Cấp ủy phải vào cuộc quyết liệt, nếu để xảy ra sai phạm nhiều thì cấp uỷ phải chịu trách nhiệm. Nhất quyết bước sang năm 2020 không để vi phạm trật tự xây dựng gia tăng so với năm 2019” - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, đến hết tháng 12/2019, các sở, ngành liên quan của TP phải phân loại mức độ công trình vi phạm để đến tháng 1/2020 quận, huyện có cơ sở xử lý. Mỗi tháng, quận, huyện báo cáo về UBND TP và Sở Xây dựng số vụ vi phạm trên địa bàn. Đến tháng 1/2020 phải niêm yết giấy phép xây dựng trên trang tin điện tử quận, huyện để người dân biết, theo dõi.
Cùng đó, cần có cơ chế phối hợp giữa Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Tài nguyên&Môi trường cũng như xây dựng bản đồ chồng 3 lớp gồm quy hoạch, chức năng sử dụng đất, công trình cấp giấy phép xây dựng để phục vụ quản lý nhà nước.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU và Kế hoạch số 3333/KH-UBND của UBND TP, số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn là 804 công trình (sai phép 309 công trình, không phép 495 công trình), bình quân xảy ra 5,4 vụ/ngày. Nếu so sánh với bình quân số vụ vi phạm của 6 tháng đầu năm 2019 (khoảng 8,5 vụ/ngày) thì số vụ vi phạm giảm 3,1 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 36,9%.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn chậm; không áp dụng được các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm đã gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính; chưa yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng công trình. Nhiều công trình vi phạm tồn đọng trước khi ban hành Chỉ thị 23 vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
 Số lượng công trình vi phạm trên địa bàn TP tăng nhanh theo từng năm. Trong ảnh là công trình xây dựng không phép tại đường 48, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức
Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp khẳng định, tăng cường tuyên truyền và siết chặt việc đăng ký hồ sơ nhà đất bằng hình thức vi bằng. Khi phát hiện việc dùng vi bằng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ xử lý nghiêm, ngăn chặn việc chuyển dịch một số công trình vi phạm xây dựng trong quá trình công chứng. Sở Tư pháp sẽ tham mưu cho UBND TP áp dụng không cho xuất cảnh đối với đối tượng vi phạm hành chính về trật tự xây dựng nhưng không chấp hành.
Thẳng thắn nhìn nhận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, vi phạm thường xuất phát từ người trực tiếp xây dựng; thậm chí, xin phép rồi vẫn xây sai phép; nhà đầu tư cố ý “ăn xổi ở thì, làm ăn chộp giật”... Một số chủ đầu tư không tuân thủ quy định của pháp luật dù cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành các văn bản. Cùng đó là nguyên nhân đến từ phía người dân, lỗi chính sách, quy hoạch, thực hiện quy hoạch của cơ quan quản lý Nhà nước.
Các bên liên quan có hành vi vi phạm xây dựng đều phải có trách nhiệm, tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Cơ quan Nhà nước phải thực thi tốt hơn, kiên trì, kiên quyết trong xử lý vi phạm. Doanh nghiệp đầu tư dự án phải làm đúng pháp luật.
Cũng theo ông Hoan, giải pháp phải đi kèm quy trình, cơ chế phối hợp, xác định rõ trách nhiệm, thời gian xử lý; không thể bó tay với tình trạng vi phạm trật xây dựng. Các sở ngành, quận, huyện phải vận hành tốt quy chế phối hợp liên ngành, đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm và ứng dụng định vị để quản lý xây dựng. Tổng Công ty Điện lực, Tổng Công ty cấp nước TP chấm dứt hợp đồng cung cấp điện nước đối với chủ đầu tư hoặc nhà thầu xây dựng sai phép, không phép.
Vi phạm trật tự xây dựng “nở rộ”, TP Hồ Chí Minh lập tức ban hành quy chế
Trước đó ngày 4/12, UBND TP vừa ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Quy chế này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2019.
Theo đó, tất cả công trình xây dựng trên địa bàn TP phải được kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng (trừ công trình bí mật nhà nước; công trình an ninh, quốc phòng); mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý kiên quyết ngay từ khi mới phát sinh; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục.
Việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân cùng tham gia giám sát.
Thông tin phản ánh về công trình vi phạm trật tự xây dựng đều phải được kiểm tra, xử lý, đảm bảo bí mật về thông tin cá nhân và các thông tin có liên quan đến người cung cấp thông tin về công trình vi phạm.
Việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động xây dựng là trách nhiệm của UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng lớn, đặc thù, phức tạp và thanh tra công tác quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện.
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm trật tự xây dựng thì bị xử lý kỷ luật về cán bộ, công chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ sai phạm; trường hợp gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường.
Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Lý Thanh Long cho biết, thời gian qua tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là tại những quận huyện có tốc độ đô thị hoá nhanh.
Thống kê cho thấy, mỗi năm tại TP có hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được phát hiện và xử lý. Nếu như năm 2017 có 2.856 công trình (bình quân 7,8 vụ sai phạm/ngày) thì đến năm 2018 có 2.419 công trình (6,6 vụ vi phạm/ngày). 6 tháng đầu năm 2019 có 1.550 công trình, bình quân 8,5 vụ vi phạm/ngày, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018.
Các công trình vi phạm trật tự xây dựng phát sinh đến nay đang hình thành các khu dân cư và nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Việc nhiều công trình vi phạm xây dựng không phép, sai phép trong thời gian qua có nguyên nhân là sự yếu kém trong công tác phối hợp giữa các đơn vị, trong đó có Thanh tra Sở Xây dựng và quản lý trật tự đô thị địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần