TP Hồ Chí Minh: Chỉ nới lỏng, cho phép mở cửa kinh doanh một số lĩnh vực

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/4, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho TP Hồ Chí Minh xuống nhóm nguy cơ, tuy nhiên chỉ được nới lỏng, cho phép mở cửa kinh doanh một số lĩnh vực từ ngày 23/4.

Tăng cường đầu tư cho ngành y tế phòng chống dịch bệnh
Cụ thể, phát biểu tại cuộc họp Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TP tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, địa bàn TP có tổng cộng 54 ca nhiễm, đã chữa khỏi cho 52 ca, còn 2 ca đang điều trị. TP đang có 22 ngày thực hiện cách ly xã hội, trong đó 19 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới, đây là tiền đề để TP sẽ công bố hết dịch khi đủ 28 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP kiến nghị Chính phủ cho phép TP thực hiện theo chỉ thị 15,  ngừng cách ly xã hội từ 0 giờ ngày mai (23/4).  
TP Hồ Chí Minh chính thức nới lỏng xã hội từ ngày mai (23/4).
Cũng theo ông Phong, dịch bệnh đang khiến TP phải đối mặt với những thách thức về phát triển kinh tế. Dự báo dịch bệnh sẽ tác động mạnh đến kinh tế từ quý II/2020. Để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định, TP đã chủ động xây dựng cơ chế chính sách để vực dậy nền kinh tế khi dịch bệnh trên địa bàn TP có diễn biến tốt hơn, để nới lỏng từng bước nhưng vẫn kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường dịch bệnh.
Theo đó, để vực dậy nền kinh tế TP trong điều kiện dịch bệnh, ông Phong cho biết, TP đã xây dựng 7 bộ chỉ số để kiểm soát dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới: an toàn trong trường học, văn hóa thể thao, du lịch, giao thông, công thương, vệ sinh thực phẩm, khu vực công cộng.
Các bộ chỉ số này sẽ được ban hành trước 30/4, quy định trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị và chủ doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch trong điều kiện bình thường mới, cách làm của thành phố là thận trọng nới lỏng từng bước, tham vấn nhiều chiều, tổ chức thí điểm rồi mới triển khai nhân rộng nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển ổn định, đảm bảo mục tiêu phòng chống dịch.
Ngoài ra, TP cũng đang xây dựng một số cơ chế đặc thù, tiếp thêm động lực để đưa kinh tế TP vượt qua khó khăn. Đó là gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mất việc làm ở các doanh nghiệp sản xuất; gói đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy nền kinh tế số trong điều kiện dịch bệnh…
Về phòng chống dịch bệnh, ông Nguyễn Thành Phong cam kết, TP sẽ tiếp tục giám sát các điểm có nguy cơ cao; nhất là các khu lưu trú công nhân, nhà trọ, nhóm người nước ngoài đang lưu trú tại thành phố; các cơ sở chăm sóc, bảo trợ xã hội; kiểm soát, phân luồng tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện các ca bệnh mới; khoanh vùng truy vết các ca nhiễm mới; sắp xếp lại các khu cách ly tập trung để chuẩn bị cho giai đoạn mới.
Cuối cùng, TP cũng tăng cường đầu tư cho ngành y tế, nhất là ngành y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh từ nhân sự đến trang thiết bị chuyên môn và chế độ chính sách.
"Đây là mặt trận quan trọng đối với an ninh y tế của người dân TP, có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế hiện nay", ông Nguyễn Thành Phong nói.
Chỉ nên nới lỏng, cho phép mở cửa kinh doanh một số lĩnh vực
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao việc phòng chống Covid-19 trong 3 tháng qua, có "kết quả quan trọng và đáng mừng". Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh, cách ly xã hội đúng đắn, kịp thời, nên trong 6 ngày qua không phát hiện trường hợp nào bị nhiễm.
“Riêng TP Hồ Chí Minh 19 ngày không có người nhiễm, đây là thuận lợi để chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi song song việc phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên chỉ nên nới lỏng, cho phép mở cửa kinh doanh một số lĩnh vực”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng trong chiều ngày (22/4), sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thường trực Lê Thanh Liêm cho biết, Thủ tướng cho phép TP Hồ Chí Minh và một số địa phương thực hiện các nội dung như Chỉ thị 15.
“TP được quyết định mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, kinh doanh đường phố, dịch vụ không thiết yếu... nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch. Còn cụ thể việc nới lỏng cách ly xã hội như thế nào, TP sẽ có hướng dẫn trong thời gian sớm nhất, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân", ông Liêm nói.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, tối nay (22/4), chị Hoàng Thị Ngọc Anh (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, chị vô cùng ủng hộ quyết định của Chính phủ, đồng thời tin tưởng vào công tác chống dịch của cả nước, của TP.
“Tôi thấy quyết định của Thủ tưởng với TP Hồ Chí Minh là chính xác, vì thực chất kì nghỉ lễ 30/4, 1/5 cũng đã sắp đến. Nếu ngay lúc này mà ngừng cách ly xã hội, người đi kẻ đến, rất khó kiểm soát. Đợi xong đợt nghỉ lễ cũng vừa lúc TP đủ 28 ngày công bố hết dịch. Mọi người an toàn, niềm vui nhân đôi”, chị Ngọc Anh nói.
Là người kinh doanh, buôn bán tại TP nhiều năm, anh Nguyễn Trọng Văn (quận 8, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, không nôn nóng mở lại cửa hàng, một lòng ủng hộ công tác chống dịch của TP.
“Nếu nói không mong hết cách ly xã hội là giả dối, nhưng tôi chấp nhận đóng cửa hàng thêm 1 tuần, 2 tuần nữa cũng không sao. Vì khó khăn cũng khó khăn rồi, quan trọng nhất lúc này người người nhà nhà nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, để đảm bảo TP bình yên đợi đến ngày công bố hết dịch”, anh Văn nói.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thi Phe (Hồng Bàng, quận 5, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, TP đã rất cố gắng, nỗ lực chống dịch, cho nên không có lý do gì để phải vội vàng trong thời khắc quyết định. Nới lỏng xã hội vẫn sẽ đảm bảo cho một số hoạt động cần thiết được tái khởi động, còn lại phải nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền.
“Chỉ cần chủ quan, cái giá phải trả là rất đắt. Bài học từ Ý, từ Hàn Quốc đã cho thấy rất rõ. Tôi ủng hộ TP chỉ nên nới lỏng xã hội. Cần phải thật bình tĩnh, cẩn trọng, tránh “đổ sông đổ bể” công sức những ngày vất vả vừa qua”, Cô Phe chia sẻ.