TP Hồ Chí Minh: Kỳ vọng giảm bớt một cây cầu “treo”?

Cao Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần một năm nhà thầu mệt mỏi chờ đợi, cầu Phước Long nối quận 7 và Nhà Bè đã được lệnh thi công. Người dân TP Hồ Chí Minh kỳ vọng, nó sẽ thoát khỏi nguy cơ dở dang như nhiều cây cầu bị “treo” khác.

TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có tình trạng UTGT nặng nề nhất cả nước. Chính vì vậy kế hoạch xây mới, mở rộng, nâng cấp cầu, đường luôn luôn là vấn đề “nóng” trên bàn nghị sự của các cấp Chính quyền và sự quan tâm của người dân.
Sau 10 tháng chờ đợi nhà thầu đã triển khai thi công cầu Phước Long.
Tuy nhiên có một thực tế là quá trình triển khai các dự án cầu, đường giao thông của TP hết sức chậm chạp. Đơn cử như dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7), đã có kế hoạch triển khai từ đời Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ trước, nhưng đến nay đã sắp hết hai nhiệm kỳ vẫn… án binh bất động.
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện không thiếu những dự án chậm ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư; cùng với đó là nhiều dự án khi bắt tay vào thi công thường kéo dài, dở dang.
Đặc biệt là các dự án xây dựng cầu bằng nguồn vốn ngân sách TP. Chỉ tính trên địa bàn Quận 9 và huyện Nhà Bè hiện có tới 6 cây cầu đang thi công dở dang, trở thành những cầu bị “treo”.
Cụ thể, tại Quận 9 có cầu: Nam Lý, vốn đầu tư 857 tỷ đồng; cầu Tăng Long vốn đầu tư 450 tỷ đồng; cầu Long Đại vốn đầu tư 353 tỷ đồng, tất cả đều đang dở dang, ì ạch. Nhà thầu đã rút đi từ lâu do chủ đầu tư không bàn giao được mặt bằng.
Tương tự huyện Nhà Bè có 3 cây cầu cùng chung tình trạng là: Phước Lộc, vốn đầu tư 390 tỷ đồng; cầu Long Kiển, vốn đầu tư 557 tỷ đồng; cầu Cây Khô, vốn đầu tư 267 tỷ đồng. Riêng cầu Long Kiển được thi công từ tháng 8/2018, dự kiến thông cầu vào đầu năm 2020; nhưng nhà thầu đã rút đi từ tháng 12/2019 do không được giao mặt bằng thi công tiếp.
Đáng nói, đây là cây cầu được báo, đài đưa tin rầm rộ, thể hiện sự quyết liệt của Chính quyền đối với dự án xây cầu sắt mới, thay thế cầu cũ yếu có nguy cơ sập đổ. Nhưng kết quả thực tế lại cho thấy sự quyết liệt đó chưa thành hiện thực.
Một dự án khác đang có nguy cơ bị liệt vào danh mục cầu “treo” là cầu Phước Long nối Quận 7 và Nhà Bè dài 390m, vốn đầu tư 398 tỷ đồng. Trong đó vốn gói thầu xây lắp cầu là 150,8 tỷ đồng, còn lại là vốn cho gói giải tỏa mặt bằng và xây dựng đường dẫn. Tuy nhiên giá trúng thầu gói xây lắp của liên danh Công ty 492 - Công ty CP xây dựng Tone Thăng long chỉ là 125,5 tỷ đồng (?).
Sau khi công bố kết quả trúng thầu gói xây lắp cầu Phước Long vào đầu năm 2019, từ đầu tháng 4/2019 một trong hai nhà thầu là Công ty 492 đã di chuyển xà lan, cần cẩu, thiết bị, vật tư tới hiện trường chờ giấy phép và lệnh khởi công. Nhưng phải hơn 10 tháng sau (ngày 20/2/2020), nhà thầu mới có lệnh khởi công, dù Giấy phép thi công được cấp trước đó hơn 1 tháng (ngày 12/1/2020).
Theo Đội trưởng đội thi công cầu Phước Long, thuộc Công ty 492, do chờ đợi thi công nên mỗi tháng đơn vị này thiệt hại khoảng 300 triệu đồng chi phí máy móc thiết bị lãng phí, tính chung cho 10 tháng là khoảng 3 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% số tiền được hưởng trong gói thầu. Được biết nhà thầu này đã thiệt hại tương tự tại cây cầu “treo” Long Đại.
Vậy vì sao nhà thầu phải chờ đến 10 tháng mới được lệnh khởi công? Trong khi cầu Phước Long là một điểm đen UTGT tại khu Nam TP Hồ Chí Minh, người dân rất bức xúc, mong mong chờ sớm có một cây cầu mới. Câu hỏi này xin chuyển tới Giám đốc Sở GTVT và Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh.
Một công trình kiên cố đang xây dựng thuộc mặt bằng giải tỏa cầu Phước Long

Một điều kỳ lạ khác nữa là, cầu đã chính thức khởi công, cần cẩu và thiết bị thi công đã tập kết cả về giữa lòng kênh gần một năm qua, nhưng hàng chục hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng tại hai đầu cầu vẫn chưa nhận được thông báo về khởi công dự án.

Theo thiết kế, cầu Phước Long có 8 trụ, 2 hố móng đầu cầu, nhưng hiện nhà thầu chỉ thi công được có 3 trụ trên lòng kênh do không phải giải phóng mặt bằng. 5 trụ và 2 hố móng còn lại buộc phải chờ giải phóng, bàn giao mặt bằng mới thực hiện được.

Do không có thông báo giải phóng mặt bằng nên một số hộ dân đầu cầu phía huyện Nhà Bè vẫn ngang nhiên xây dựng mới, cơi nới công trình trên mặt bằng phải giải tỏa đền bù mà Chính quyền địa phương không hề có động thái nào ngăn chặn. Thậm chí có những công trình rất kiên cố, chi phí cả tỷ đồng, có thể khiến công tác giải phóng mặt bằng lâm vào bế tắc do sự phản đối của người dân.

Cầu Phước Long đã được lệnh thi công bắt đầu từ ngày 25/2/2020, thời gian thi công 405 ngày, tức dự kiến thông cầu vào đầu tháng 4/2021. Người dân rất kỳ vọng UTGT tại đây sớm được khắc phục và TP sẽ giảm bớt một cây cầu “treo”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần