TP Hồ Chí Minh: Nâng cao đường Nguyễn Hữu Cảnh, nhà dân nguy cơ thành hầm chứa nước

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi siêu máy bơm thông minh bị "vô hiệu hóa" khiến con đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn bị ngập nặng, TP Hồ Chí Minh "miễn cưỡng" phải sửa chữa, nâng cấp con đường này lên cao thêm 1,2m và dự kiến đến tháng 12/2020 hoàn thành. Tuy nhiên, việc nâng cao con đường Nguyễn Hữu Cảnh lên 1,2m lại khiến nhiều hộ dân khu vực này lo lắng nhà của họ sẽ có nguy cơ biến thành hầm chứa nước.

Nâng đường, nhà dân thành hầm?
Tình trạng ngập nặng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh khiến dư luận rất bức xúc trong một thời gian dài. Việc sử dụng hệ thống bơm thông minh vẫn không cải thiện tình hình, thậm chí, có thời điểm, "rốn ngập" này vô hiệu hóa cả hoạt động của máy bơm thông minh.
 Đường Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên kẹt xe, ngập nước suốt nhiều năm qua khiến người dân khốn đốn
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, sở dĩ đường Nguyễn Hữu Cảnh (hoàn thành trước năm 2008) rơi vào tình trạng ngập nặng là do các tuyến cống dọc đường nằm trong khu vực nền đất rất yếu, bị lún cục bộ một đoạn dài và hiện bị xuống cấp, mặt đường bị trũng cục bộ và thấp hơn so với cao trình đỉnh triều cường.
Để giải quyết, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư triển khai dự án sửa chữa tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Ngày 5/10/2019, dự án đã khởi công, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2020 với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng.Tuy nhiên, việc sửa chữa này được đánh giá là ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà dân hai bên.
Theo người dân sống xung quanh con đường này cho biết, với mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện tại thì nhiều con hẻm đã thấp hơn mặt đường. Nếu nâng đường lên 1,2m thì nhà dân sẽ biến thành hầm, nước từ đường chính đổ dồn xuống khó tránh khỏi tình trạng ngập nặng hơn trước.
Liên quan đến vấn đề nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh, bà Nguyễn Thị Lành (một hộ dân trên đường Võ Duy Ninh) cho biết, đã quá ngán ngẩm với cảnh sống chung với ngập.
“Người dân chúng tôi đã hàng trăm lần sống trong cảnh nước ngập lênh láng suốt một ngày mới rút nên giờ khi nghe tới việc nâng đường, chúng tôi lại thấy bất an. Nâng khoảng 70-80 cm là vừa, vì khi đó nền đường với trong hẻm ngang nhau chứ nâng cao cả mét, chắc chắn nước tràn vào nhà thì bà con không còn cách nào khác là phải sống chung với ngập”, bà Lành nói.
Một hộ dân kinh doanh khác trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng đồng quan điểm: “Nếu TP nâng đường khu vực này tới 1,2 m, trong nhà tôi chắc chắn thấp hơn ngoài đường. Rõ ràng là không hợp lý, đừng như đường Kinh Dương Vương, biến nhà thành hầm thì chỉ khổ người dân. Trường hợp làm xong, đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập nhưng nước lại tràn vào các con đường xung quanh thì TP sẽ giải quyết sao?”.
Chưa kể, ngoài nguy cơ nhà biến thành hầm khi đường Nguyễn Hữu Cảnh nâng cao 0,5 tới 1,2 m, người dân còn phải đối mặt với tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Trung bình mỗi ngày đường Nguyễn Hữu Cảnh đang tiếp nhận hàng chục nghìn phương tiện lưu thông, đoạn giao với đường Tôn Đức Thắng và Lê Thánh Tôn là "điểm đen" về ùn tắc. Vào giờ cao điểm, cảnh xe cộ xếp dài hàng trăm mét thường xuyên diễn ra. 
Đơn vị thi công dựng hàng rào khiến mặt đường bị thu hẹp, giao thông ùn tắc vốn là mối lo thường trực với người dân nay lại càng đáng ngại khi thời gian thi công dự án sẽ diễn ra kéo dài tới 14 tháng hoặc cũng có thể nhiều hơn.
“Nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh thì chắc ăn luôn khu vực gần hầm chui và đoạn trước tòa nhà The Manor sẽ bị ùn tắc khi mỗi ngày có hàng nghìn phương tiện đổ dồn về. Ngập thì không biết có hết không, nhưng kẹt xe thì làm sao tránh được, chung lại cũng chỉ có dân là khổ”, ông Nguyễn Hữu Thành (quận Thủ Đức) bức xúc.
Lợi ích người dân bị bỏ ngỏ?
 Những con hẻm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện tại đã thấp hơn mặt đường
Liên quan đến dự án sửa chữa, nâng cao đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, cho biết, trước ý kiến nâng đường ảnh hưởng đến nhà dân, chủ đầu tư đã làm việc với tổng cộng 138 hộ bị ảnh hưởng bởi việc nâng cao mặt đường về phương án, thiết kế công trình. Tất cả các hộ dân đều đồng thuận.
Theo đó, thiết kế của tuyến đường sẽ khôi phục lại cao độ mặt đường được thiết kế từ năm 1997, chia thành nhiều phân đoạn nâng cao khác nhau.
“Có nhiều đoạn đường sẽ nâng từ 5-10cm, có đoạn tới 50-70cm và có đoạn tới 1.2m. Trong đó, chênh trên 15cm có 68 hộ dân; chênh trên 30cm có 30/68 hộ dân này” - đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho hay.
Đối với các hộ dân có nhà ở chênh quá cao so với mặt đường được nâng, chủ đầu tư  khẳng định, sẽ thực hiện theo phương án bố trí bậc tam cấp và chừa lối đi cho họ.
Tuy nhiên, hiện dự án này đang trong tình trạng vừa thi công vừa khai thác, với rất nhiều dự án chồng lấn đan xen dọc tuyến do đó khả năng cao không hoàn thành tiến độ. Ít nhất, đến tháng 4/2021, dự án mới đảm bảo được hoàn thành.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Trọng Văn – Kỹ sư xây dựng tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, dự án sửa chữa, nâng cao đường Nguyễn Hữu Cảnh chưa chú trọng đến lợi ích người dân.
“Nếu dự án này được thực hiện, e rằng nhà của hàng trăm hộ dân sẽ bị ngập. Cứ hình dung rằng, dự án nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh dự kiến chia làm 2 phần, gồm đoạn đường từ giao lộ với đường Tôn Đức Thắng đến cầu Thủ Thiêm chỉ tổ chức tách bóc mặt đường, trải nhựa và chỉnh trang vỉa hè. Phần đường từ cầu Thủ Thiêm đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh lún nặng phải xử lý nền đường và thay mới hệ thống thoát nước bị đứt gãy. Nếu theo phương án này, sau khi dự án hoàn thành sẽ có hàng chục hộ dân có nhà thấp hơn đường 15cm, và rất nhiều hộ dân có nhà thấp hơn mặt đường từ 30-50cm. Nâng cốt đường mà không có giải pháp thoát nước sẽ biến nhà thành hầm, nước từ các hẻm chảy ngược vào nhà dân gây ngập lụt nghiêm trọng", ông Văn phân tích.
Cũng theo ông Văn, phương án nâng đường chống ngập là không hiệu quả mà chỉ chuyển ngập từ nơi này qua nơi khác.
"Bao nhiêu năm nay rồi, cứ ngập là nâng đường, cứ ngập là nâng đường, cứ chỉ giải quyết mang tính tạm bợ như thế thì bao giờ dân mới hết khổ vì ngập?", ông Văn bày tỏ quan điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần