TP Hồ Chí Minh: Ngoài Covid-19, người dân phải chủ động phòng tránh các loại bệnh vào mùa nắng nóng

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh đang bước vào thời kỳ nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ ban ngày có lúc lên đến 35-36 độ C tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi khuẩn (còn gọi là vi rút)… dễ bùng phát và tấn công những người có sức đề kém nhất là trẻ em và người cao tuổi.

Những bệnh thường xuất hiện vào mùa nắng nóng

Chị Nguyễn Thị Hà (quận Tân Phú) có con nhập viện tại BV Nhi Đồng 1 vì viêm họng và viêm amidan cho biết, thời tiết oi bức, gia đình bật quạt 24/24 giờ cùng với việc thường xuyên uống nước đá nên ảnh hưởng đến họng. Còn anh Nguyễn Thành Trung (quận 5) cho hay, cha anh năm nay 80 tuổi phải nhập viện ĐH Y Dược hơn 3 ngày nay do sức đề kháng yếu, bệnh tim mạch tái phát... Hiện ông đang dần hồi phục và chuẩn bị xuất viện. Đang nằm điều trị tại khoa nhiễm BV quận 2, anh Nguyễn Văn Cương (31 tuổi) chia sẻ, cách đây 10 ngày anh bị sốt cao phải nhập viện ban đầu anh Cương được chẩn đoán bị sốt siêu vi nhưng điều trị đến ngày thứ 5 thì người phát ban đỏ khắp cơ thể và anh được cho mắc bệnh sởi.

Theo Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện mỗi ngày Khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận 4.000-5.000 bệnh nhi. Trong đó, khoảng 20-30% bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, 10-20% mắc các bệnh về tiêu hóa, khoảng 5% mắc bệnh tay, chân, miệng và rải rác một số ca bệnh thủy đậu, sởi viêm não.

 Mỗi ngày BV Nhi đồng 1 tiếp nhận hàng ngàn bênh nhân liên quan đến thời tiết nắng nóng. Ảnh: Huy Chương

Còn Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay, bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.500-6.000 bệnh nhi đến khám, trong số này có khoảng 7% phải nhập viện nội trú. Số lượng bệnh nhi khám, chữa bệnh về đường hô hấp cao nhất.

Theo Ths.BS Đinh Thạc - BV Nhi đồng 2, thời tiết nắng, nóng, nhiều người có xu hướng ở trong phòng máy lạnh quá lâu, sử dụng nhiều quạt hoặc ăn uống các loại thức ăn, thức uống lạnh... Điều này làm khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp dẫn đến dễ bị viêm đường hồ hấp.

Ngoài ra, nhiệt độ môi trường cao dễ làm thức ăn bị ôi thiu, cùng với sự phát triển mạnh của các trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián dễ gây ngộ độc thực phẩm. Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lâu, mọi người nên mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành; đặc biệt, phải lưu ý các bệnh lý về đường hô hấp.

Chủ động phòng ngừa các bệnh vào mùa nắng nóng

Trao đổi với PV, BS CKII Võ Thanh Hùng – Trưởng khoa Nhiễm BV quận 2 cho biết, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút sinh sôi, gây ra các bệnh như sốt siêu vi, viêm đường hô hấp, viêm da, tiêu chảy… Vì vậy mỗi người dân, mỗi gia đình cần có những biện pháp phòng bệnh kịp thời.

  BS CKII Võ Thanh Hùng – Trưởng khoa Nhiễm BV quận 2 đang thăm khám cho một một bệnh nhân nam mắc bệnh Sởi. Ảnh: Huy Chương

Để chủ động tránh các bệnh thường gặp mùa nắng nóng, Bộ Y tế đã đưa ra các khuyến cáo cho người dân thực hiện tốt các biện pháp phồng chống các loại bệnh như vệ sính môi trường sống sạch sẽ, không hoạt động ngoài trời lâu trong thời tiết quá nóng, uống đủ nước (uống nhiều lần, không uống một lúc); mặc áo quần thông thoáng, sáng màu. Đối với trẻ em, khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốc nhiệt cần đưa ra khỏi môi trường có nhiệt độ cao, đến nơi có bóng râm, cởi bỏ quần áo, đắp khăn mát và cho trẻ uống nước; hồi sức tim phổi nếu trẻ không tỉnh, không thở...

Nếu cơ thể xuất hiện tình trạng tăng thân nhiệt bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ Võ Thanh Hùng khuyến cáo, phụ huynh cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ một số bệnh như thủy đậu, phế cầu, rota vi rút... Dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, sức đề kháng của giảm, dễ bị thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn, đặc biệt trẻ dễ bị bệnh lý về hô hấp như viêm phổi... Vì thế, mọi người cần chú ý ăn uống bảo đảm vệ sinh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhất là với trẻ nhỏ; không nên đi ngoài trời nắng gay gắt rồi vào phòng lạnh ngay vì thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ gây bệnh. Có thể tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước hoa quả, ăn nhiều rau xanh, bảo quản thức ăn đúng cách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần