TP Hồ Chí Minh: Người dân kêu khổ vì "lô cốt" bủa vây khắp các nẻo đường

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến tháng 7/2020, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có tất cả 123 rào chắn dự án rải rác khắp các tuyến đường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và cuộc sống của người dân.

Trên các tuyến đường có rào chắn xuất hiện thường xảy ra kẹt xe, gây khó khăn cho việc di chuyển, đi lại của người dân, nhất là vào giờ cao điểm
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 7/2020, toàn TP hiện có 123 vị trí rào chắn trên 60 tuyến đường để phục vụ thi công các công trình, dự án. Trong đó, có 37 "lô cốt" mọc lên gần đây khiến cuộc sống người dân xung quanh bị đảo lộn.
Điển hình là khu vực quận 2 với gần 30 vị trí rào chắn để các dự án lớn thi công như Metro Số 1, dự án cải thiện môi trường nước…
Đáng chú ý nhất là hệ thông rào chắn công trình dày đặc trên đường Trần Não, trong đó nhiều đoạn chiếm hơn nửa mặt đường, chỉ chừa lại khoảng trống vừa đủ cho một ô tô chạy qua.
Phương tiện giao thông di chuyển khó khăn qua đoạn ''lô cốt'' trên đường Trần Não (quận 2).
“Đoạn giao lộ Lương Định Của, hàng rào chiếm dụng toàn bộ một bên đường, nên phương tiện giao thông phải di chuyển qua phần còn lại. Giờ cao điểm, ô tô nối đuôi nhau kéo dài, còn xe máy nhích từng chút một”, cô Xuân kinh doanh tạp hóa trên con đường này kể lại.
Cũng trong tâm trạng bức xúc, chị Tiền (một hộ dân trên đường Trần Não) cho biết, chỉ tính từ bùng binh cho tới ngã tư đèn xanh đèn đỏ đã có 4 cái lô cốt, chắn ra hơn nữa làn đường. Vỏn vẹn 4 tháng đã có hơn chục vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường Trần Não.
 Một ''lô cốt'' nằm ngay ngã 3 đường Trần Não đã tồn tại hơn 4 tháng qua khiến giao thông đi lại khó khăn
“Không hiểu sao toàn thi công vào giờ người dân đi lại, bởi vậy cứ kẹt xe với tai nạn suốt. Nguyên nhân là do trước đây con đường này một chiều giờ thành đường hai chiều, chỗ ngã ba lại bị khuất, người dân chưa quen với việc xáo trộn này nên dễ xảy ra tai nạn”, chị Tiền nói.
Ghi nhận cho thấy tại quận 4 cũng đang xảy ra tình trạng tương tự khi xuất hiện nhiều hạng mục thi công ở đường Bến Vân Đồn, Nguyễn Tất Thành, Tôn Thất Thuyết.
Người dân quận 4 ngao ngán khi phải di chuyển ngang qua lô cốt trên đường Nguyễn Tất Thành, nhất là vào mùa mưa ngập hay giờ cao điểm kẹt xe.
Hay mới đây, tại quận 7, cũng vừa “mọc” thêm 4 rào chắn tại 2 dự án xây hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và nâng cấp hệ thống cửa xả đường Huỳnh Tấn Phát mới triển khai.
Riêng khu vực quận 8, trong 18 "lô cốt" tồn tại, đường Phạm Thế Hiển nhiều nhất khi có tới 8 vị trí. Khu vực ngã ba Phạm Thế Hiển - Cao Lỗ (phường 4), hàng rào đã có từ khoảng 2 năm nay chưa biết khi nào tháo dỡ.
 Đường Phạm Thế Hiển được mệnh danh là con đường có nhiều rào chắn nhất TP
“Mặt đường bị thu hẹp, ô tô không thể chạy hai chiều cùng lúc, xe máy chạy qua cũng chật vật. Liên tục xảy ra kẹt xe, tắc đường nhất là vào giờ cao điểm”, ông Nam, một hộ dân tại khu vực cho biết.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trung, đang là hộ kinh doanh trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8) than thở, việc lô cốt mọc lên che kín toàn bộ nhà, khiến việc kinh doanh mua bán của gia đình gặp nhiều khó khăn.
Người dân vất vả di chuyển trên đường Phạm Thế Hiển vì kẹt xe vào giờ cao điểm.
“Nhà mặt tiền giờ có khác gì nhà trong hẻm, lô cốt che kín mít suốt 2 năm, buôn bán có được gì đâu, thiệt hại biết bao nhiêu tiền của. Chưa kể, việc thi công còn khiến 6 - 7 căn nhà bị nứt tường, cuộc sống ô nhiễm, sinh hoạt bị đảo lộn”, ông Trung than thở.
Còn tại khu vực Bùng Binh Cây Gõ, thuộc đường Minh Phụng hướng về quận 6, người dân hoang mang không biết tại sao cứ đến hẹn lại lên, vào thời điểm này hàng năm lại mọc lên lô cốt, như thể đã được hẹn giờ từ trước.
 Lô cốt trên đường Minh Phụng (quận 6) xuất hiện liên tục trong 4 năm qua khiến người dân bức xúc.
“Cũng chỉ một đoạn đường đó thôi, 4 năm nay, năm nào cũng vậy, vào thời điểm này lại xuất hiện lô cốt. Chúng tôi không biết họ đào cái gì dưới đó mà cứ đào đi đào lại”, anh Du (Văn Thân, quận 6) thắc mắc.
Trò chuyện với phóng viên, chị Ngọc Anh (Bình Tiên, quận 6) mệt mỏi, từ ngày có cầu vượt Cây Gõ khúc đường này vốn dĩ không còn kẹt xe. Nhưng vì lô cốt mọc lên nên giờ kẹt xe suốt, nhất là thời điểm này các em đã đi học lại, giờ tan học khu vực này kẹt cứng. Lẽ ra, họ nên thi công theo kiểu cuốn chiếu, làm tới đâu gỡ bỏ tới đó thì bà con đỡ khổ, chứ cái kiểu này thật ngao ngán quá!”, chị Ngọc Anh kiến nghị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần