TP Hồ Chí Minh: Nhót bao tử Đà Lạt hơn nửa triệu một kg vẫn hút người tiêu dùng

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù giá bán khá cao ở mức 500.000 đồng/kg, người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh vẫn lùng mua nhót bao tử được trồng ở Đà Lạt vì yêu thích.

“Trái nhót chủ yếu được trồng ở miền Bắc, song vài năm trở lại đây, loại quả này bắt đầu được trồng phổ biến ở Đà Lạt và trở thành món ăn vặt được nhiều chị em thích, dù giá bán không hề rẻ”, chị Nhung, người đang bán nhót bao tử trên chợ online chia sẻ.
Nhót bao từ Đà Lạt được bán tại TP Hồ Chí Minh với giá cao chót vót, 500.000 đồng/kg
Cũng theo chị Nhung, nếu nhót miền Bắc tháng 3 thu hoạch, thì thời điểm này đang là nhót xanh trái vụ của miền Nam, đắt gấp cả chục lần so với nhót miền Bắc khi vào vụ, lên đến 500.000 đồng/kg.
“Nếu khách ở TP Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh phía Nam đặt hàng thì nhót bao tử Đà Lạt có giá 500.000 đồng/kg (bao gồm cả phí ship). Còn nếu là khách ở khu vực phía Bắc thì sau 2 - 3 ngày đặt hàng mới có, và giá bán bị đẩy lên tới 600.000 - 650.000 đồng/kg”, chị Nhung nói thêm.
Tương tự, chị Sum (quận 3, TP Hồ Chí Minh), chuyên bán đặc sản online Đà Lạt cho biết, trung bình một ngày chị bán từ 50 - 70kg nhót bao tử Đà Lạt.
“Khách đặt mua nhiều lắm, nhưng hàng về bị hạn chế vì nguồn cung không nhiều. Để đảm bảo giao được quả tươi, giòn cho khách, tôi thường nhận đơn trước, sau đó hàng về là giao ngay, nếu để qua 1 hoặc 2 đêm là trái mất ngon”, chị Sum chia sẻ.
Theo chị Sum lý giải, nguyên nhân khiến trái nhót bao tử Đà Lạt có giá cao là vì vùng đất này trồng nhót hợp, trái to, ngon. Chưa kể, hàng nhập trực tiếp từ Đà Lạt đều là hàng loại 1 và vận chuyển bằng máy bay nên giá cao.
Thời điểm này nhót bao tử Đà Lạt có giá vô cùng đắt đỏ vì là hàng trái mùa
“Nhót bao tử trái vụ chưa bao giờ có giá rẻ, các năm trước cũng đã 200.000 - 400.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá bán năm nay vẫn là cao nhất, gần gấp đôi. Chắc do tình hình dịch bệnh Covid-19, khiến việc vận chuyển khó khăn hơn trước vì thế giá bán cũng cao hơn”, chị Sum nói.
Là đầu mối chuyên bán trái cây, anh Trung (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết, mặc dù giá chát, nhưng nhót bao tử Đà Lạt vẫn đang là mặt hàng bán chạy vì mùi và vị khác hẳn với nhót trồng ở các vùng khác.
“Năm nào cũng vậy, cứ tháng 8, 9 là vào vụ thu hoạch. Một vụ trái mùa như thế này thường chỉ kéo dài 3 tháng, tức đến tháng 10 là hết hàng. Cũng vì trái mùa nên số lượng bông đậu quả thấp. Thời tiết ở Đà Lạt lại thất thường khiến giá cao hơn 20 - 30% so thông thường”, anh Trung phân tích.
Theo anh Trung, nhót bao tử thường được chế biến ăn kèm với chẩm chéo hoặc muối ớt xanh. Ngoài ra, có thể chế biến theo các món ăn truyền thống của người dân tộc Thái ở Tây Bắc (bao gồm nhót, chẩm chéo, rau bắp cải, mùi vị).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần