TP Hồ Chí Minh: Sẵn sàng tiêm vaccine cho gần 800.000 trẻ từ 12 đến 17 tuổi

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 21/10, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã cung cấp một số thông tin xung quanh việc chuẩn bị tiêm vaccine ngừa Covid -19 cho trẻ em trong độ tuổi 12 - 17 và quy trình mới về phát hiện xử lý F0 trong cộng đồng.

Sẵn sàng cho chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ 12 - 17 tuổi
Chiều 21/10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) đã họp báo cũng cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, ngày 14/10, Bộ Y tế có văn bản 8688, chỉ đạo một số vấn đề liên quan công tác chuẩn bị cho việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 17. Sau khi có chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã dự thảo kế hoạch trình UBND TP Hồ Chí Minh. Sau đó, UBND TP đã họp với các sở ngành liên quan, thảo luận kỹ về dự thảo này. Theo đó, TP sẽ triển khai ngay việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 17 ngay sau khi Bộ Y tế phê duyệt vaccine.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hưng, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 780.000 trẻ trong độ tuổi 12 đến 17, phần lớn là học sinh. Trẻ ở độ tuổi trong quy định đều được tiêm vaccine trong thời gian triển khai chiến dịch. Địa điểm tiêm có thể là tại điểm tiêm cộng đồng, trạm y tế, bệnh viện, trường học. Trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 17, chưa đủ tuổi tự quyết, khi tiêm vaccine phải có sự đồng ý của các bậc phụ huynh...
Cũng liên quan đến vấn đề tiêm vaccine, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có 99% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine; tỷ lệ người trên 18 tuổi đã được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine là 76,8%. Quan điểm của TP Hồ Chí Minh là cố gắng tiêm càng nhiều càng tốt.
Riêng đối với người lao động, học sinh, sinh viên... từ các địa phương quay trở lại TP, nếu chưa được tiêm vaccine hoặc mới chỉ tiêm một liều có thể đăng ký tiêm vaccine tại tổng đài 8066, UBND quận huyện hoặc tại doanh nghiệp nơi người lao động làm việc... để được tiêm. Đối với người đã tiêm mũi 1 tại các địa phương sẽ được tiêm mũi 2 tại TP Hồ Chí Minh.
Áp dụng quy trình mới phát hiện xử lý F0
Ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, trên tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ, TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng quy trình phát hiện xử lý F0 mới.
"Trước đây, khi phát hiện ra F0, xử lý theo tinh thần zero covid một cách triệt để, cách ly toàn bộ F0, F1, phong tỏa cả khu vực, đôi khi khu vực bị phong tỏa rộng hơn so với yêu cầu. Chiều 21/10, Sở Y tế đã có buổi làm việc trực tuyến với các địa phương về quy trình mới phát hiện, xử lý F0 trong cộng đồng. Có nhiều cách phát hiện F0, xét nghiệm khẳng định, sau khi có kết quả khẳng định sẽ được cập nhật lên phần mềm quản lý chuỗi lây nhiễm, đưa về địa phương quản lý; Xét nghiệm tầm soát nhóm nguy cơ, nguy cơ cao như cơ sở khám chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe... sau khi phát hiện sẽ đưa về nơi lưu trú quản lý; khám sàng lọc khi có triệu chứng tại các cơ sở y tế, báo về cho ngành y tế quản lý; Người dân khi có triệu chứng nghi ngờ, có yếu tố dịch tễ thông báo cho y tế địa phương, nếu đủ cơ sở không cần xét nghiệm lại...", ông Nguyễn Hữu Hưng thông tin.
Về vấn đề xử lý F0 trong cộng đồng, có 2 khái niệm mới, là ổ dịch gia đình và ổ dịch cộng đồng. Trong gia đình nếu có 1 người bị nhiễm Covid-19 được gọi là ổ dịch gia đình; trong một khu vực nếu phát hiện 2 hộ gia đình có ca F0 gọi là ổ dịch cộng đồng.
Khi phát hiện F0 trong cộng đồng, nếu đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà 14 ngày, nếu không đủ điều kiện sẽ được cách ly tập trung. Hộ gia đình có ca F0 sẽ được y tế địa phương đến khám, đánh giá tình trạng, trường hợp chuyển nặng hoặc nồng độ oxy trong máu thấp sẽ báo cho tổ phản ứng nhanh đến cấp cứu...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần