TP Hồ Chí Minh sắp hết đường cho xe nhúc nhích

Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh
Chia sẻ Zalo

Dù có hàng loạt cây cầu, tuyến đường mới được đưa vào khai thác nhưng không bắt kịp với tỷ lệ tăng của ôtô, xe máy khiến tình trạng kẹt xe ở TP Hồ Chí Minh ngày càng nghiêm trọng.

Chiều 20/12, trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 180 ôtô con và có vài trăm đến cả ngàn xe máy đăng ký mới. Trong đó, có ngày người dân ùn ùn đăng ký mới 350 chiếc ôtô, thậm chí có khi đột biến đến 600 chiếc ôtô/ngày”.
Dân đông, xe nhiều còn đường ít
Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT) cho biết tính cả các đường nội bộ ở các dự án, khu dân cư, tổng diện tích mặt đường của toàn TP Hồ Chí Minh hiện nay khoảng 37,7 triệu m2. Diện tích vỉa hè thì khoảng 15,5 triệu m2.
Diện tích đường đã không chịu nổi lượng xe các loại hoạt động ở TP Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Kẹt xe tại đường Cộng Hòa hướng về cầu vượt Lăng Cha Cả.
“Theo thống kê, các con đường của TP Hồ Chí Minh có chiều dài 4.155 km, song chỉ có 1.176km có bề rộng lòng đường trên 7m (phù hợp cho ôtô, xe buýt). Số đường có lòng đường rộng dưới 7m, chỉ phù hợp cho xe hai bánh hiện chiếm tỉ lệ áp đảo với khoảng 58,7%” - ông Đường thông tin.
Về số dân ở TP Hồ Chí Minh, chỉ lấy con số khiêm tốn là 10 triệu người thì theo quy chuẩn chung, diện tích dành cho giao thông cần 200 - 240 triệu m2, tức gấp từ hơn 3,7 đến gần 4,5 lần (tính cả diện tích lòng đường, vỉa hè) so với thực tế hiện nay. Nếu trừ đi diện tích vỉa hè bị chiếm dụng tràn lan thì diện tích còn lại dành cho giao thông còn thấp hơn nhiều.
“Năm 2012 chúng tôi từng tính toán, nếu tổng các loại xe máy, ôtô khi ấy của TP Hồ Chí Minh (gần 5.987.000 chiếc) đem ra xếp ở vỉa hè, lòng đường thì chỉ xếp được 76% lượng xe” - ông Đường thông tin.
Không kẹt xe mới lạ

Ông Ngô Hải Đường cho biết thêm, để đảm bảo cho ôtô con lưu thông với tốc độ 30 km/h thì cần diện tích đường là 45 m2/chiếc. Như vậy, tổng diện tích cần lên đến 108 triệu m2, gấp hơn 2,8 lần tổng diện tích lòng đường hiện có của TP Hồ Chí Minh.
“Nếu đem tất cả các xe ra xếp thì cũng không đủ đất, nói gì đến chạy. Tất nhiên, sẽ chẳng có chuyện tất cả các loại xe đạp, xe máy, ôtô, xe buýt cùng lúc tràn xuống đường nhưng số liệu trên cho thấy quỹ đất dành cho giao thông quá thấp.
Trong những năm qua, dù có hàng loạt cây cầu, tuyến đường mới đưa vào khai thác nhưng so với tỉ lệ tăng của ôtô, xe máy thì vẫn không bắt kịp. Đây là một trong các nguyên nhân khiến tình trạng kẹt xe trên địa bàn ngày càng nghiêm trọng” - ông Đường nhận xét.
Hiện nay đường bộ gần như là phương thức duy nhất đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải đô thị của TP Hồ Chí Minh, trong khi diện tích dành cho giao thông đã vượt quá mức chịu đựng so với lượng phương tiện.
Mặt khác, diện tích dành cho giao thông nở thêm hằng năm có tỉ lệ rất thấp nhưng lượng phương tiện, nhất là ôtô con, tiếp tục gia tăng hằng ngày với tỷ lệ ngày càng cao thì kẹt xe, tắc đường là chuyện đương nhiên.
Nếu chỉ điều tiết, phân luồng, hướng dẫn giao thông mà thiếu các biện pháp cân đối để điều tiết đảm bảo được lượng xe so với diện tích đường ở một tỷ lệ nhất định thì tình hình giao thông của TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục ngày càng xấu đi.

Lấy ý kiến tiêu chí xác định ùn tắc

Ngày 20/12, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết đang tổ chức lấy ý kiến góp ý về các tiêu chí cụ thể để xác định ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, Sở GTVT đề xuất các tiêu chí xác định tình trạng ùn tắc giao thông được đánh giá bằng ba tiêu chí cụ thể gồm: Vận tốc trung bình dòng xe (10 km/h). Theo Sở GTVT, thời gian qua nhiều khu vực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra ùn ứ. Sở GTVT đã thống kê vận tốc trung bình một số khu vực trên địa bàn TP.HCM các thời điểm trong ngày cho thấy vận tốc lưu thông rất thấp. Ví dụ tại khu vực trung tâm TP.HCM và cao điểm sáng chỉ đạt 20,7 km/h, cao điểm chiều chỉ đạt 19,3 km/h và trong thời gian thấp điểm vận tốc chỉ đạt 20,9 km/h.

Tuy vậy, thời gian qua việc xác định tình trạng giao thông đường bộ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chủ yếu dựa trên cơ sở ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, mang tính chất định tính, chưa phù hợp với thực tế. Điều này đã gây khó khăn trong công tác tổ chức giao thông cũng như phục vụ công tác hoạch định các chính sách quản lý, điều hành giao thông đô thị.

Theo PC67, tính từ ngày 20/11 đến 20/12, có hơn 25.440 xe máy và 6.700 ôtô đăng ký mới, nâng tổng số xe máy và ôtô trên địa bàn lần lượt là gần 7.261.500 xe máy và 619.940 ôtô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần