TP Hồ Chí Minh: Sương mù quang hóa gây ô nhiễm không khí

Thiện An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh khi giải thích về tình trạng ô nhiễm không khí nặng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh những ngày vừa qua.

 Nhiều nơi tại TP Hồ Chí Minh đạt chỉ số ô nhiễm không khí ở mức trên 150 - mức có thể ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là trẻ em và người già. 
Chiều 25/9, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh chính thức có kết luận, nêu rõ nguyên nhân ô nhiễm không khí ở TP này xảy ra từ ngày 18/9 đến ngày 22/9 là do hiện tượng sương mù quang hóa.
Theo đó, trong thời gian này, lớp sương mù xuất hiện dày đặc màu trắng đục, có diện tích bao phủ nhiều nơi trên địa bàn TP khiến tầm nhìn bị hạn chế, tạo cảm giác khó chịu cho người dân.
Cụ thể, sương mù quang hóa là một dạng ô nhiễm xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển. Ánh sáng mặt trời phản ứng với các khí thải động cơ, công nghiệp… tạo ra ozone, PAN và aldehit tạo ra hiện tượng này, gây độc hại cho sức khỏe con người.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP nhận định, hiện tượng mù quang hóa xuất hiện trên địa bàn TP có tính chu kỳ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng sống người dân.
Trước đó, theo kết quả của Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thì nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở TP những ngày qua là do: Cháy rừng từ Indonesia; độ ẩm trong không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết để hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù; do phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Ngày 18/9, có những đám cháy rừng lớn và trên diện rộng tại Indonesia, theo hướng gió và tốc độ gió, sau 2-3 ngày các chất ô nhiễm này bay tới TP, vì vậy ngày 20/9 nồng độ ô nhiễm không khí TP tăng cao đột biến. Cũng dùng mô hình chạy ngược lại xem thử ô nhiễm không khí vào ngày 22/9 do đâu ra, kết quả cho thấy rằng đi từ cháy rừng ở Indonesia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần