TP Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị

ĐOÀN VŨ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/10, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm tin tức VTV24 tổ chức hội thảo quy hoạch đô thị TPHồ Chí Minh: Thực tiễn và cơ hội đầu tư.

Trong quá trình phát triển đô thị, TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia năm 2016, trong trường hợp mực nước biển dâng 100cm và nếu không có giải pháp ứng phó thích hợp khoảng 18% diện tích TP Hồ Chí Minh có khả năng bị ngập. Ngoài ra, cấu trúc đô thị hiện hữu của TP hiện nay vẫn theo hướng lan tỏa từ trung tâm hiện hữu mà chưa thể hiện được mô hình tập trung đa cực của quy hoạch chung TP đặt ra; đô thị sử dụng đất chưa hiệu quả và gây áp lực lớn về giao thông và nhu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên toàn TP, tình trạng ngập lụt, ô nhiễm không khí…
 Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến phát biểu kết luận hội thảo.
Ông Lý Khánh Tâm Thảo, Quyền Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quy hoạch chung của TP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, đến nay trải qua thời gian thực hiện gần 8 năm. Trước những thách thức mà TP đối mặt trong quá trình phát triển đô thị, TP đang có chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của TP, phù hợp với những định hướng chung của toàn TP;
Theo đó, TP sẽ kế thừa những nội dung của bản quy hoạch chung hiện hành còn phù hợp và tiếp tục thực hiện, tập trung nguồn lực để nghiên cứu những nội dung cần điều chỉnh. Quy hoạch lần này cần có chiến lược dài hạn và khả thi, xác định thứ tự ưu tiên theo giai đoạn. Xem xét xác định hướng ưu tiên phát triển TP với hai hướng chính về phía Đông và phía Nam, hai hướng phụ là phía Tây Bắc và Tây Nam. TP sẽ tiếp tục chỉnh trang, cải tạo khu trung tâm hiện hữu và nối kết với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hoàng Tùng: TP Hồ Chí Minh quan tâm việc ứng dụng công nghệ trong lập quy hoạch, quản lý quy hoạch; có cơ chế chính sách để cập nhật liên tục thông tin một cách chính xác. Ngoài ra, TP mong muốn sự giám sát của cộng đồng để có thông tin chính xác nhất.
Giám đốc Phát triển và Cải tiến đô thị mới Marne la Vallee, ông Michel Fanni, đề xuất TP huy động trí tuệ tập thể, như xây dựng một chính sách quản trị đặc thù, hình thành một nhóm làm việc đa ngành, đảm bảo song hành chính sách quản trị theo hàng ngang…
 Các đại biểu tham quan gian hàng giới thệu về công nghệ trong quy hoạch đô thị.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết: "TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt của Việt Nam và đòi hỏi phải có sự phát triển để đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Tuy nhiên, trước quá trình phát triển liên tục của TP đã để lại hậu quả là sự phát triển không bền vững, vấn đề quá tải về giao thông, vệ sinh môi trường, ngập nước. Do vậy, TP nhận thấy vấn đề hạn chế và yếu kém lớn nhất của TP vẫn là vấn đề quy hoạch".
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, quy hoạch có 3 khâu là xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch. Trong đó, cả 3 khâu này đều bộc lộc những hạn chế.
Trong khi chờ quy hoạch chung mới, TP khẩn trương có biện pháp để xử lý như: Điều chỉnh quy hoạch kịp thời để hấp dẫn hơn và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; tiếp tục hoàn thiện phát triển quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế; phát triển đô thị thông minh ở Quận 1, 12 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông TP; phát triển Khu đô thị du lịch sinh thái Cần Giờ; phát triển đô thị cảng ở khu vực quận 2, 9 và Nhà Bè; phát triển khu đô thị ven sông.
 Các đại biểu trao đổi tại hội thảo.
"Về mặt pháp lý quy hoạch, cứ 5 năm, Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch một lần, nhưng nếu quy hoạch tốt như ở các nước châu Âu thì quy hoạch cả 100 năm vẫn không thay đổi. Đây là vấn đề thuộc về chất lượng quy hoạch. Do vậy, quy hoạch tổng thể của TP trong những năm tới phải tính toán để làm sao khả năng điều chỉnh bổ sung ít nhất là phải 10 năm.
Về quy hoạch tổng thể của TP Hồ Chí Minh phải trở thành khát vọng không chỉ của lãnh đạo TP mà của cả người dân TP; trong đó phải trở thành cơ hội của nhà đầu tư và mong ước của người dân TP. Vì vậy, để điều chỉnh quy hoạch tổng thể TP, trong giai đoạn tới, TP sẽ rà soát nhiều vấn đề như chính sách cho nhà đầu tư, giải quyết quyền lợi cho người dân. Đồng thời, nâng cao chất lượng quy hoạch cho phù hợp với sự phát triển chung của TP", Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần