TP Hồ Chí Minh: Tràn lan xây nhà không phép tại nhiều khu vực

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhiều năm nay, hiện tượng mua bán đất bằng giấy tay và nạn xây nhà không phép đã ngang nhiên lộng hành tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm về xây dựng của chính quyền địa phương còn khá lỏng lẻo, xử lý không triệt để gây bức xúc trong dư luận.

Nan giải xử lý vi phạm
Những năm gần đây tình hình vi phạm trật tư xây dựng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp cả về số vụ và mức độ vi phạm. Tiêu biểu là việc hàng chục căn nhà không phép ở Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè… được xây dựng kiên cố nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết hoặc có dấu hiệu bao che cho sai phạm.
Đất nông nghiệp được đầu nậu thu mua và ngang nhiên phân lô bán nền trái phép tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.
Theo ghi nhận của PV, tại huyện Bình Chánh tình trạng xây dựng không phép đang diễn ra rầm rộ ở xã Vĩnh Lộc A. Từ đầu hẻm vào tổ 11, 12 đi vào khoảng 200m của ấp 5A, đường Thới Hòa, hàng chục căn nhà 2 tầng kiên cố mọc lên giữa cánh đồng cỏ trống trải.
Trong đó, có nhiều mảnh đất nông nghiệp bị chia nhỏ, nhường chỗ cho những ngôi nhà bọc tôn bên ngoài để đổ bê tông cốt thép, xây dựng kiên cố bên trong. Thậm chí, có những ngôi nhà chỉ cần 3 đến 7 ngày là hoàn thành, có thể dọn vào ở. Với tốc độ xây dựng như vậy, liệu có đủ an toàn cho người sử dụng những căn nhà này?
Cùng với đó là nhiều nền đất đã hoàn thành móng, đang chuẩn bị xây. Xung quanh không có hạ tầng, chỉ có con đường mới đổ đất và xà bần tạm bợ. Điều đáng nói, tất cả các căn nhà này đều xây dựng không phép.
Trong vai một người đi tìm mua nhà ở khu vực ấp 1 xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, chúng tôi được giới thiệu một căn với diện tích khoảng 36m2 với giá 950 triệu đồng. Khi hỏi cách thức mua bán ra sao thì được cho biết: “Sổ chung, mua bán bằng vi bằng công chứng”.
Tương tự, tại Thủ Đức cũng đang tồn tại hàng loạt ngôi nhà xây dựng không phép, trái phép bắt đầu từ năm 2016 - 2017. Người dân nhiều lần phản ánh nhưng tình trạng xây trái phép vẫn tiếp diễn như không có chuyện gì cả.
Thậm chí, ngay cả khi Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh xuống kiểm tra một phường có 21 căn nhà xây trái phép liền kề nhau, xây cùng lúc ở quận Thủ Đức. Khi hỏi Chủ tịch phường xây khi nào, Chủ tịch phường không biết, nhưng người dân xung quanh ai cũng biết.
Một dãy nhà không phép được xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.

Mới đây, đội thanh tra địa bàn quận Thủ Đức vừa kiểm tra phường Hiệp Bình Chánh đã phát hiện nhiều công trình không phép. Cụ thể, tại công trình tại nhà số 41, đường số 18, khu phố 4 do ông Võ Văn Phú làm chủ đầu tư. Tại đây, một phần công trình được Đội thanh tra địa bàn quận Thủ Đức xác định xây dựng không phép.
Còn tại huyện Nhà Bè, hàng chục căn nhà xây dựng sai phép thi nhau mọc lên ở hẻm 1991, ấp 4, xã Nhơn Đức. Từ đường Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức rẽ vào con hẻm 1991 thuộc ấp 4, chúng tôi nhận thấy phía trong cùng của con hẻm này, việc xây dựng nhà ở đang diễn ra rầm rộ. Có 3 loại nhà ở đây, một là loại nhà xây đúng phép, 2 là xây không đúng phép bị dỡ bỏ và 3 là những căn nhà xây không đúng phép nhưng không bị dỡ bỏ.
Hẻm 1991 của ấp 4, xã Nhơn Đức chỉ rộng khoảng 2m nhưng các căn nhà cất sát nhau, hầu hết xây 1 trệt 1 lầu với diện tích đất nhỏ để chia thành 23 căn nhà bán cho nhiều người. Theo hồ sơ, khu đất này thuộc chủ quyền của ông Phan Hoàng Dũng, ngụ tại Nhơn Đức, Nhà Bè.
Trong khi giấy phép xây dựng số 1463, 1464, 1465 và 1466/GPXD do UBND huyện Nhà Bè cấp, chỉ cho phép dãy công trình này có chiều cao 6,4m, số tầng là 1+ lửng. Thế nhưng chủ đầu tư trong quá trình xây dựng dãy nhà 23 căn này, ông Phan Hoàng Dũng đã cho xây dựng không đúng với giấy phép được cấp khi cố tình lấn phần không gian ban công ra và tăng diện tích tầng lửng.
 Hẻm 1991 của ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè có nhiều căn nhà xây trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại mà không bị xử lý.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, năm 2016 quận Thủ Đức có 314 công trình xây dựng không phép và trái phép. Đến năm 2017 có khoảng 150 và năm 2018 giảm chỉ còn 72 công trình không phép, sai phép.
Tại Bình Chánh, năm 2016 có khoảng 850 trường hợp xây không phép và sai phép, đến năm 2017 là 1.092 trường hợp và năm 2018 khoảng 870 trường hợp. Cả 3 năm cộng lại là khoảng 2.700 trường hợp.
Có dấu hiệu bao che?
Thực trạng về các sai phạm công trình xây dựng trái phép trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tồn tại từ nhiều năm nhưng không xử lý kịp thời, đang để lại những hậu quả rất lớn, gây bức xúc trong dư luận.
Trong năm 2018, huyện Bình Chánh đã phải kỷ luật cả chục cán bộ liên quan đến xây dựng lụi. Riêng xã Vĩnh Lộc A, Chủ tịch xã bị cảnh cáo, chuyển công tác xuống làm chuyên viên; Phó Chủ tịch cũng bị cảnh cáo, sau đó đã viết đơn nghỉ việc. Xã Vĩnh Lộc B thay cả Bí thư và Chủ tịch.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là cơ quan chức năng quản lý địa bàn yếu kém, hay địa phương buông lỏng quản lý? Và có hay không chuyện “bảo kê” của cán bộ địa phương cho các công trình vi phạm? Bởi lẽ, khi xây dựng công trình, cán bộ phường, quận hay thanh tra xây dựng quản lý địa bàn đều biết.
 Mặc dù treo biển nghiêm cấm rất to, nhưng tình trạng phân lô, xây dựng, chuyển nhượng trái phép vẫn diễn ra hàng ngày tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Trả lời báo chí khi còn là Giám đốc Sở Xây dựng, ông Trần Trọng Tuấn (ngày 25/4 ông Tuấn đã được điều về làm Bí thư Quận ủy Quận 3) cho biết, thời gian qua việc xử lý vi phạm về trật tự xây dựng gặp một số vướng mắc, khó khăn; đặc biệt là xử lý vi phạm xây dựng nhà ở riêng lẻ trên đất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành đang trong quá trình đô thị hóa như Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức... ngày càng phức tạp. Các địa phương thực hiện xử lý vi phạm xây dựng mỗi nơi một kiểu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do luật chồng chéo.
Cụ thể, tại Điểm k, Khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 quy định, đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt, sẽ miễn phép xây dựng nếu không nằm trong khu bảo tồn, khu di tích, văn hóa.
Do đó, việc áp dụng xử lý hành vi xây dựng trái phép gặp nhiều bất cập dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành tăng cao.
Một chuyên gia bất động sản tại TP Hồ Chí Minh nhận định, tình trạng xây nhà không phép tràn làn hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến quy hoạch chung của từng địa phương, của thành phố mà còn tạo điều kiện cho một nhóm người trục lợi cá nhân. Thanh tra xây dựng của TP và UBND TP cần gấp rút vào cuộc để có biện pháp khắc phục triệt để ngay từ bây giờ, không nên để tình trạng này gia tăng thêm nửa sẽ giống như một căn bệnh nan y không thể chữa trị, phát sinh nhiều hệ lụy xấu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần