TP Hồ Chí Minh triển khai thẻ điện tử trên 16 tuyến buýt

Hà Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có 2 phương thức để hành khách có thể sử dụng trên xe buýt, gồm thẻ vật lý "Unipass" và mã QR trên qua ứng dụng ở điện thoại thông minh.

Ngày 8/3, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh cùng các đối tác tổ chức triển khai thí điểm thẻ xe buýt điện tử trên 16 tuyến buýt.
Lễ công bố thí điểm thẻ thanh toán điện tử cho giao thông công cộng.
Ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, thời gian thí điểm không quá 1 năm, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, Công ty CP Zion sẽ thực hiện giai đoạn 1, thời gian từ tháng 3/2019 trên 9 tuyến xe buýt, gồm 86; 50; 52; 55; 30; 93; 59; 68 và 69 (khoảng 141 phương tiện). Còn giai đoạn 2, từ tháng 7/2019 sẽ do Ngân hàng Thương mại CP Việt Nam Thương Tín thực hiện, quy mô trên 7 tuyến, gồm số 10; 18; 28; 45; 54; 91 và 150 (khoảng 139 phương tiện).
Ông Trần Chí Trung cho biết thêm, sau thời gian thí điểm sẽ mở rộng qua các tuyến xe còn lại và liên thông với hệ thống thanh toán của tuyến đường sắt đô thị, xe buýt nhanh BRT, buýt đường thủy và các loại hình giao thông công cộng khác trong tương lai.
"Trong các nội dung đề ra, một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng và ứng dụng hệ thống thanh toán tự động phục vụ thanh toán trong giao thông công cộng bằng xe buýt, tiến tới liên thông với các hệ thống giao thông công cộng khác" - ông Trung cho biết.
Với mô hình trên, có 2 phương thức để hành khách có thể sử dụng trên xe buýt, gồm thẻ vật lý "Unipass" và mã QR trên qua ứng dụng ở điện thoại thông minh.
Trong đó, với thẻ thông minh Unipass, hành khách có thể đến các điểm giao dịch đăng ký các thủ tục và nhận thẻ. Để sử dụng, hành khách nạp tiền trước đó và khi lên xe sẽ dùng thẻ để quẹt vào đầu đọc thẻ trên xe buýt (một thẻ/một khách hàng chỉ được thanh toán duy nhất một lần trên một chuyến xe). Khi quẹt xong, tiền vé sẽ được trừ trực tiếp vào số dư tài khoản của hành khách.
Với phương thức thanh toán bằng vé điện tử mã QR trên ứng dụng điện thoại, hành khách vào ứng dụng ZaloPay, chọn ứng dụng Xe Buýt và thực hiện thao tác đăng ký. Khi sử dụng, hành khách lên xe, mở ứng dụng Uni Pass đã đăng nhập (đã nạp tiền trong tài khoản) và chọn chức năng vé điện tử trên ứng dụng này. Sau đó, khách đặt mã QR trên điện thoại vào khu vực đọc mã QR trên xe buýt, hệ thống sau đó sẽ trừ tiền trực tiếp vào tài khoản xe buýt Uni Pass.
TP Hồ Chí Minh triển khai thẻ điện tử trên 16 tuyến buýt.
Trong 2 phương thức nêu trên, khi đăng ký online, hành khách chỉ có thể sử dụng vé điện tử mã QR trên điện thoại để thanh toán trên xe buýt. Còn để nhận thẻ thông minh, hành khách phải đến các điểm giao dịch. Còn với đối tượng được miễn giảm giá vé xe buýt như học sinh, sinh viên..., cũng cần đến các điểm giao dịch để đăng ký và nhận thẻ.
Học sinh, sinh viên - đối tượng chiếm khoảng 50% hành khách xe buýt cũng không cần xuất trình thẻ học sinh, sinh viên khi mua vé. Khi làm thủ tục phát hành thẻ, hồ sơ sẽ cập nhật thông tin trường học, niên khóa để tạo sự thuận tiện nhất.Theo chỉ đạo của UBND TP, sau thời gian thí điểm 1 năm và định kỳ hàng quý, Sở GTVT, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá để chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và sự phát triển, đổi mới công nghệ.
Ông Trần Quang Lâm - Phó giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện TP có 138 tuyến xe buýt, gồm 100 tuyến có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá với tổng số 2.457 phương tiện. Trong thời gian chờ đầu tư hoàn thiện hệ thống Vận tải hành khách công cộng có sức chở lớn như MRT, BRT theo kế hoạch phát triển của TP Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, xe buýt vẫn giữ vai trò chủ lực. Do đó, việc hiện đại hoá thanh toán trong giao thông công cộng bằng bằng xe buýt là điều cần thiết.
"Việc ứng dụng hệ thống thanh toán tự động cho hoạt động giao thông công cộng bằng xe buýt được xây dựng trên nền tảng công nghệ phù hợp với xu hướng hiện nay trên thế giới. Thẻ thanh toán xe buýt sẽ liên thông với loại hình giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh. Khi hệ thống hoàn chỉnh đưa vào vận hành chính thức, toàn hệ thống sẽ theo hướng công nghệ mới đang được các nước có hệ thống giao thông công cộng trên thế giới triển khai áp dụng như Anh, Singapore...", ông Lâm nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần