TP Hồ Chí Minh trợ giá thêm 161 tỷ đồng để duy trì hoạt động xe buýt

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hồ Chí Minh sẽ tăng trợ giá 161 tỷ đồng để giải quyết khó khăn của các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP.

Ngày 9/7, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng khẳng định, không có chuyện các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng dừng hoạt động vào 15/8 dù tình hình tài chính gặp khó khăn.
Các doanh nghiệp vận tải công cộng ở TP Hồ Chí Minh sẽ được bổ sung 161 tỷ đồng để duy trì hoạt động.
Cụ thể, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, tính toán trợ giá sai là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp vận tải công cộng thời gian qua hoạt động thua lỗ. Trong năm 2019, sản lượng hành khách ước tính khoảng 5,6 triệu chuyến. Năm nay, sản lượng chỉ được tính 4,5 triệu chuyến nhưng hiện hữu vẫn là 5,6 triệu chuyến. Kinh phí Nhà nước cấp về thấp dẫn đến việc các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp vận tải thu không đủ chi.
"Trước Tết Nguyên đán 2020, khi đi thăm các HTX, ban cán sự Sở Giao thông Vận tải rất trăn trở, nhiều xã viên HTX gần đến Tết không có tiền mà còn nợ ngân hàng mua xe, tiền nhiên liệu, trả lương cho lái xe, cho tiếp viên. Tuy nhiên do kinh phí cấp ít, chúng tôi cũng không có cách nào khắc phục. Từ đó, Sở quyết liệt đề xuất TP tính toán lại đầy đủ, chính xác hơn để bù cho sự thiếu hụt. Đến thời điểm này, Sở Giao thông Vận tải mới được cấp bổ sung khoản kinh phí thiếu hụt năm 2019 dẫn đến thanh toán chậm trễ cho doanh nghiệp, HTX. Trong vài ngày tới, các doanh nghiệp, HTX sẽ được bổ sung đầu đủ kinh phí trợ giá cho năm 2019", ông Võ Khánh Hưng nói.
Tương tự, đối với dự toán chi ngân sách trợ giá năm 2020 được Sở Tài chính thẩm định trình UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt, giao dự toán cho Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng là 1.150 tỷ đồng, Sở Giao thông Vận tải TP tính toán vẫn chưa đủ.
Cụ thể, về sản lượng hành khách bình quân trên 1 chuyến, Sở Tài chính thẩm định là 44,5 hành khách/chuyến, tăng 50% so với thực tế thực hiện năm 2019. Con số này rất khó thực hiện, đặc biệt trong năm 2020, khi ngành vận tải chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19. Về số lượng chuyến xe hoạt động, Sở Tài chính dự kiến là 4,5 triệu chuyến xe/năm, tương ứng dự toán cho các tuyến xe buýt phổ thông là 956,5 tỷ đồng. Điều này là không thể thực hiện được trong điều kiện các yếu tố chi phí đều tăng, phương tiện đã được các đơn vị vận tải đầu tư thay thế mới.
Các số liệu dự toán về doanh thu bình quân từ vé cũng chưa phù hợp tình hình thực tế, khiến Sở GTVT không thể triển khai đầu tư thay thế phương tiện mới đối với các tuyến phương tiện cũ, đồng thời phải tạm ngưng một số tuyến trợ giá, phá vỡ kế hoạch dự kiến mở mới một số tuyến kết nối các khu đô thị mới, khu dân cư...
"Sau khi được UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất cho phép tính toán lại sản lượng hành khách theo tinh thần tính đúng, tính đủ, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã đề xuất tăng thêm 161 tỷ đồng tiền trợ giá năm 2020 so với dự toán từ đầu năm để không tái diễn tình trạng như năm 2019", ông Hưng nói thêm.
Về phương án sử dụng nguồn tiền bổ sung, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai 6 đợt đấu thầu đối với 47 tuyến xe buýt có trợ giá (có 33 tuyến hiện hữu và 14 tuyến mới) trong quý III và IV. Hiện Sở đang gửi Sở Tài chính thẩm định lần 2 dự toán gói thầu đợt 1 và trình đề cương, dự toán kinh phí cũng như kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện cho đợt 2.
Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung mở rộng các tuyến xe buýt phục vụ người dân ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, quận Bình Thạnh, quận 9, quận Thủ Đức và các tỉnh lân cận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần