TP Hồ Chí Minh: Từ hôm nay (24/11) không phân loại rác thải rắn sinh hoạt sẽ bị xử lý thế nào?

NGUYỄN VŨ QUỲNH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rác thải sinh hoạt đang là mối hiểm họa đối với môi trường và cuộc sống của con người và sinh vật, thực vật nhất là với các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Từ hôm nay (24/11), ở TP Hồ Chí Minh việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải được triển khai từ các hộ dân cho đến nơi nhận rác và xử lý cuối cùng theo quyết định 44/2018/QĐ-UBND của thành phố này.
Sự đồng thuận từ một quyết định
Mỗi ngày TP Hồ Chí Minh có khoảng gần 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, chưa nói đến các loại chất thải rắn khác ở các công trình xây dựng được thải ra.
 Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh
Không phải chờ đến khi Quyết định 44/2018/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh ra đời người dân thành phố mới hiểu, mới biết về nguy hại của rác thải sinh hoạt không được phân loại mà đổ dồn vào một chỗ.
Ở thành phố này có nhiều nơi, nhiều năm nay có những khu phố, tuyến đường, người dân đã tự giác phân loại rác rồi. Nhưng số người dân làm việc này còn ít. Người dân thành phố, những người có ý thức giữ gìn vệ sinh, mong muốn chính quyền phải có biện pháp giám sát, theo dõi hành vi xả rác bừa bãi. Cần phạt thật nặng người xả rác và làm mất vệ sinh đường phố, nơi công cộng, kể cả nơi ở trong từng hộ gia đình.
Đến bây giờ thành phố mới có Quyết định 44 là rất muộn, nhưng muộm còn hơn không. Rác đang tấn công môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước và không khí. Làm ảnh hưởng và nguy hại tới sức khỏe con người và sinh vật....
Nhưng muốn bảo vệ được môi trường và con người thì việc không xả rác, thu gom rác chưa đủ, mà cần phân loại rác và xử lý rác một cách cơ bản và khoa học như Quyết định 44 đã nêu.
Quyết định 44 những vấn đề cần đặt ra
Thứ nhất là nghiêm cấm mọi hành vi xả rác không đúng nơi đúng chỗ quy định, sau đó mới đến bắt buộc phải phân loại rác. Thứ hai là quyết định này phải được triển khai đến từng hộ gia đình, cơ quan đoàn thể trường học bệnh viện vv, bằng văn bản, chỉ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng chưa đủ. Phải thông báo hướng dẫn chi tiết thế nào là rác hữu cơ, rác tái chế, rác thải khác và hợp đồng giao rác với ai.... Ba là chuẩn bị tinh thần cho người dân ý thức được tinh thần của Quyết định 44 . Bốn là: Mức xử phạt quy định từ 15- 20 triệu đồng khi chưa phân loại rác thải là chưa có tính thuyết phục.
Phạt tới 20 triệu đồng nếu hộ gia đình cố tình không phân loại rác thải sinh hoạt.
Vấn đề là dân đã nắm được Quyết định 44 chưa? Đã hứa thực hiện chưa? Nếu bắt được không phân loại rác lần đầu, lần thứ hai thì chỉ bị nhắc nhở. Và phải vi phạm lần thứ 3 trong một tuần thì tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom có trách nhiệm thông báo đến Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn biết để xử lý theo quy định. Và việc xử lý theo quy định ở đây là căn cứ Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/11/2016 về “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”. Mà theo Khoản 4, Điều 20 của Nghị định này thì hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng.
Xin nói rõ rằng và qua tìm hiểu, nhiều người nghèo, hộ nghèo thường hay xả rác bừa bãi và không phân loại rác. Họ lấy đâu ra tiền nộp phạt 15 - 20 triệu đồng. Nếu họ không nộp phạp thì biện pháp xử lí như thế nào, nhất là không để nhờn thuốc?
Cuối cùng là muốn có một thành phố văn minh lịch sự, nghĩa tình và sạch đẹp thì trước tiên đó là ý thức người tham gia giao thông và giữ gìn vệ sinh đường phố. Các cấp chính quyền phải vào cuộc một cách mạnh mẽ vì sự nghiêm minh của pháp luật.
Trách nhiệm của hộ gia đình, chủ nguồn thải, cá nhân có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt
1. Tự trang bị túi, thùng để phân loại, chứa chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày.
2. Thực hiện ký hợp đồng chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại theo Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
3. Thực hiện việc giao chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại cho đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
4. Trả chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định và trả chi phí dịch vụ tăng thêm nếu có nhu cầu tăng tần suất thu gom khác với tần suất thu gom chất thải sau phân loại của địa phương quy định.
5. Được quyền giám sát và phản ánh với chính quyền địa phương khi phát hiện các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện không đúng theo khung thời gian và tần suất thu gom theo quy định.
6. Hộ gia đình, chủ nguồn thải thực hiện phân loại lại chất thải khi đơn vị thu gom tại nguồn từ chối thu gom chất thải theo quy định.
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt
1. Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành các nhóm như sau:
a) Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật).
b) Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh).
c) Nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
2. Tiêu chí phân loại “đạt” là: Hỗn hợp nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy hoặc nhóm chất thải còn lại được xem là phân loại đạt khi thành phần chất thải hữu cơ dễ phân hủy hoặc thành phần chất thải còn lại lẫn dưới 10% khối lượng chất thải khác nhóm trong danh mục nhóm chất thải phân loại do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần