TP Hồ Chí Minh: Vì sao cứ mưa là ngập?

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã thực hiện hàng loạt các giải pháp chống ngập, song đến hẹn lại lên vào mùa mưa, tại các tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đâu đâu cũng thấy ngập.

Mưa hôm trước, hôm sau vẫn còn ngập
Mới đây, đêm 6/8, cơn mưa lớn kéo dài từ 19 giờ đến hơn 23 giờ không có dấu hiệu ngớt, khiến nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh chìm trong biển nước. Cụ thể, chỉ ít phút sau khi mưa lớn xuất hiện, hàng loạt các tuyến đường như: Cây Trâm (quận Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), Trần Não (quận 2)… ngập trên diện rộng. Người đi đường vất vả, loay hoay trong cơn mưa như trút nước.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) ngập cả mét trong cơn mưa tối ngày 6/8.
Riêng "rốn" ngập Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), cả con đường chìm trong “biển nước”. Theo ghi nhận, trên con đường này hàng trăm xe máy, ô tô chết máy do nước ngập sâu. Không dừng lại ở đường lớn, những con hẻm như hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng nhanh chóng cùng chung cảnh ngộ, đồng thời khu vực dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đang được thi công dường như cũng bị nhấn chìm. Nhiều đoạn cống đang làm dở, nước dâng cao tràn vào nhà dân làm hư hỏng đồ đạc. Nhiều gia đình người lớn, con trẻ bì bõm lội nước, mọi sinh hoạt đều bị xáo trộn.
“Đây là đợt ngập nặng nhất trên tuyến đường này từ đầu năm đến nay”, chị T., một hộ dân trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cho biết.
Đáng chú ý, mưa từ đêm ngày 6/8, nhưng đến sáng hôm sau (7/8) nhiều con hẻm ở đường Trần Não, Lương Định Của (quận 2) vẫn còn ngập nước đen ngòm, người dân sống trong khu vực này phải lội nước đi làm.
“Nhà tôi xây cao hơn mặt đường vẫn bị nước tràn vào tới bếp, cả nhà thay nhau múc nước, xả nước đến khổ”, anh H., nhà trên đường Lương Định Của than thở.
Trong khi đó, cô N., một hộ dân trên đường Trần Não tỏ ra lo lắng tình trạng mưa ngập sẽ còn kéo dài, gây khó khăn cho cuộc sống và công việc kinh doanh. "Mới mưa chút xíu là ngập rồi, ngập đến tận hông người. Mưa từ đêm, nhưng đến sáng hôm sau nước chỉ rút được khoảng 30cm, vẫn còn ngập đến đùi. Nếu những ngày sắp tới, TP vẫn mưa thì không biết nước ngập sẽ rút đi đâu nữa", cô N. nói.
Dù đã quá quen với cảnh mưa ngập ở TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên trận ngập lịch sử ngày 6/8 vừa qua khiến nhiều người dân băn khoăn, liệu cơn mưa này có phải là lý do duy nhất? Mùa mưa năm nay sẽ còn bao nhiều lần ngập như thế nữa? Và quan trọng hơn cả, chính là hiệu quả từ các công trình chống ngập hàng chục ngàn tỷ đồng của TP đang ở đâu khi chỉ một cơn mưa, cuộc sống của người dân đã đảo lộn?
Sáng 7/8, tuyến đường Trần Não, Lương Định Của (quận 2), vẫn ngập nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân trong khu vực

Càng chống càng ngập?

Tình trạng ngập do mưa và triều cường đã trở thành nỗi lo, nỗi ám ảnh của lãnh đạo và người dân TP. Mặc dù nhiều năm nay TP đã có hàng loạt giải pháp để chống ngập song thực tế chỉ vài cơn mưa, TP ngập vẫn hoàn ngập… Tính từ năm 2016 - 2020 TP đã chi gần 26.000 tỷ đồng chống ngập, đầu tiên phải kể đến chính là phương pháp chống ngập bằng hệ thống “siêu máy bơm” trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Với chi phí 24 tỷ mỗi năm, tổng chi phí thuê máy bơm mà TP phải chi trả trong 7 năm lên tới 171 tỷ đồng.

Được lắp tháng 9/2017, máy bơm chính thức vận hành từ ngày 2/10 cùng năm. Mặc dù, trước đó máy bơm chống ngập được công bố có công suất lên đến 97.000m3 mỗi giờ, công ty Quang Trung cam kết "không hết ngập không lấy tiền". Tuy nhiên, thực tế đường Nguyễn Hữu Cảnh đến nay vẫn ngập, thậm chí là một trong những “rốn ngập” kinh khủng nhất.

Giải thích về vấn đề này, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP) cho biết, việc đường Nguyễn Hữu Cảnh có máy bơm "khủng" nhưng vẫn ngập, là do thiết kế chống ngập ở đây có những hạn chế khi mưa lớn. Ngoài ra, hệ thống cống trên đường này bị lún sụt, quá tải khiến việc tiêu thoát bằng trạm bơm phải phụ thuộc vào khả năng đưa nước từ nguồn về.

Sau khi phương án dùng máy bơm không khả thi, phương án chống ngập khác tiếp tục được đưa ra cho đường Nguyễn Hữu Cảnh chính là dự án sửa chữa nâng đường được khởi công từ đầu tháng 10/2019 với tổng kinh phí 472,9 tỷ đồng, nhằm giải quyết tình trạng ngập nặng tại con đường này. Dự kiến, dự án hoàn thành cuối năm 2020 nhưng bị chậm tiến độ, chủ đầu tư thông báo lùi thời gian hoàn thành vào tháng 4/2021.

Tại thời điểm vừa công bố dự án, nhiều người dân sống trong khu vực lo lắng khi làm xong đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập, nhưng nhà dân có thể ngập nặng do thấp hơn đường. “Mục đích cuối cùng của việc chống ngập là để phục vụ cuộc sống người dân. Nhưng nếu đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập, mà nhà chúng tôi bị ngập thì việc chống ngập còn ý nghĩa gì? Đó là chưa nói đến việc, khi nâng xong đường Nguyễn Hữu Cảnh, “rốn ngập” sẽ hết ngập?”, anh H., một hộ dân trên đường Nguyễn Hữu Cảnh bày tỏ quan điểm.

Có ''siêu máy bơm'' đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn ngập nặng mỗi khi trời đổ cơn mưa.

Được xem là dự án trọng điểm trên địa bàn TP với số vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, chống ngập cho khoảng 6,5 triệu người. Thế nhưng dự án 10.000 tỷ đồng giải quyết ngập do thủy triều khu vực TP có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1 liên tục bị chậm tiến độ, trễ hẹn. Điều này gây nên bao nỗi khổ cho đời sống người dân bởi mỗi khi trời mưa, triều cường là ngập. Ngoài ra, những gia đình có đất bị đền bù giải tỏa để làm dự án cũng rơi vào cảnh "đi không nỡ, ở không đành".

Mới đây, Tập đoàn Trung Nam chủ đầu tư dự án khẳng định, nếu huyện Nhà Bè, Bình Chánh và quận 4 bàn giao mặt bằng đúng cam kết thì sẽ hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 10/2020.

Trước đó, trong một buổi thị sát dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận định: “Ngoài dự án này, còn nhiều dự án khác nữa thì ngập mới giảm vì có nhiều yếu tố tác động đến tình hình ngập, như ngập do mưa và triều cường”.

Như vậy, có thể hiểu, dù được đặt rất nhiều hi vọng song nếu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng kịp vận hành vào cuối năm vẫn không đảm bảo sẽ chữa dứt điểm “bệnh ngập” cho TP...

“Không biết, tương lai các dự án chống ngập sẽ cho kết quả đến đâu. Chỉ biết chắc chắn rằng, mùa mưa năm nay khi những dự án chống ngập trọng điểm của TP chưa thể đi vào hoạt động, thì bà con vẫn phải sống chung với ngập dài dài”, cô M. (quận Bình Thạnh) nói.

Thay đổi tư duy chống ngập

Bàn về hiệu quả trong công tác chống ngập của TP, giới chuyên môn nhận định, TP chống ngập còn đang mang tính nhỏ lẻ, manh mún, “ngập đâu chống đó”, nâng đường mà không nâng nhà rồi xây nhà cao tầng mà không đầu tư hệ thống thoát nước... Vì thế “càng chống càng ngập”, hoang phí hàng tỷ đồng chỉ để chạy theo chống ngập cho các công trình phát triển đô thị.

Một chuyên gia của Hà Lan hiến kế, muốn TP Hồ Chí Minh “khô ráo” ngay cả trong mùa mưa thì chỉ có 2 cách: Một là nâng cốt nền toàn bộ TP (trừ phần Cần Giờ) lên từ 1,5 - 2m (sau 2070 có thể lại nâng tiếp), điều này là không thể. Hai là, làm đê bao quanh TP với chiều dài hàng nghìn km, điều này cũng không thể bởi TP nằm trên nền đất yếu, không chân, nếu làm tường bao thì phải sâu xuống 15 - 20m mới hy vọng chạm phần đất cứng và chiều cao ló trên mặt đất ít nhất 3m, chiều rộng phần đế phải chừng 3 - 5m. 

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng liên tục trễ hẹn.

Cả hai điều này đều quá khả năng của TP Hồ Chí Minh, mà nếu giàu như nước Mỹ thì chưa chắc họ đã thực hiện. Do vậy, phải thay đổi tư duy và phương cách hành động. "Trước hết phải chuyển từ “chống ngập triệt để "sang" điều tiết nước có tính toán”, từ “chống ngập bị động” sang “thích nghi tích cực nhằm giảm thiểu rủi ro”, chuyên gia của Hà Lan nhấn mạnh.

Phải thay đổi tư duy chống ngập, KS.KTS Nguyễn Trọng Văn - Hội Kiến trúc sư TP  Hồ Chí Minh cho rằng, cần nhìn rõ bản chất nguyên nhân gây ngập ở TP hiện tại và giải quyết ngay. Đó là tình trạng bê tông hóa, san lấp hệ thống kênh rạch, không có dung tích điều tiết nước, hệ thống cống thoát nước nhỏ, không phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu,…

"TP phải tính toán đồng bộ xây nhà, nâng đường, bờ bao ngăn triều kết hợp cải tạo hệ thống bơm, tiêu thoát nước. Nên tận dụng lợi thế sông ngòi để xây dụng các công trình lưu trữ và tạo dòng thoát nước tự nhiên. Đồng thời, cũng phải hướng tới công trình xanh có khả năng tự tiêu thoát nước, tránh bê tông hóa cao tại một khu vực trọng yếu", ông Văn nhấn mạnh về lâu dài xã hội hóa trong việc chống ngập lụt cho TP là việc nên làm. Thế nhưng trước khi thực hiện, phải giải quyết các nguyên nhân gây ngập.

“Nếu cứ ngập đâu chống đấy, không đồng bộ như hiện nay, không tìm ra nguyên nhân "gốc rễ" của việc TP bị ngập, thì khó mà hết ngập…”, ông Văn nói.

Đồng quan điểm, KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, muốn hết ngập phải tìm ra nguyên căn, bởi hiện nay không chỉ các vùng thấp trũng của TP mới bị ngập mà ngay cả khu vực quận 9, Thủ Đức là những nơi trên cao vẫn ngập nặng. Theo ông Sơn, nguyên nhân do việc phát triển đô thị một cách tự phát, bê tông hóa quá nhiều, không có không gian dành cho nước, cây xanh.

Do đó, mỗi lần có mưa, nước không biết thoát đi đâu mà chỉ đổ ra đường. Các giải pháp hiện nay chỉ mang tính chạy theo, thấy đường nào ngập là nâng đường, thay cống mới nhưng chục năm sau lại ngập. Chống ngập không thể tách ra từng giải pháp riêng mà gắn với quy hoạch tổng thể đô thị, từ chống ngập, kẹt xe, mật độ dân cư, tỷ lệ xây dựng, không gian cho cây xanh, nước…

“Cần có một lãnh đạo TP, ít nhất cũng là Phó Chủ tịch UBND TP đứng ra làm nhạc trưởng cho vấn đề quy hoạch phát triển đô thị nói chung, bao gồm cả chống ngập, kẹt xe, quản lý xây dựng đô thị, mật độ dân cư… Khi có quy hoạch tốt, phải thực hiện phát triển theo đúng quy hoạch, lúc đó mới giải quyết vấn đề ngập nước, kẹt xe một bền vững”, ông Sơn nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần