TP Hồ Chí Minh: Xây dựng quy chế Kho dữ liệu dùng chung cần phải có người dân và doanh nghiệp tham gia

YÊN NỘI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/10, tại Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh, Sở TT&TT đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo quy chế tích hợp, quản lý, vận hành, khai thác kho dữ liệu dùng chung của TP. Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.

Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện đến từ Ngân hàng Thế giới, các sở, ban ngành của thành phố.
Theo đó, từ ngày 23/11/2017, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 6179/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Vận hành một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh đòi hỏi việc phải có đầy đủ các thông tin đa chiều để điều phối xử lý, dự báo, hoạch định chiến lược. Do đó ưu tiên hàng đầu của Đề án là phải xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP. Đây là điều kiện tiên quyết để triển khai thành công Đề án đô thị thông minh.
 Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: TT Báo chí TP HCM
Kho dữ liệu dùng chung của TP Hồ Chí Minh là nơi tích hợp các cơ sở dữ liệu thông tin của các sở - ban – ngành, quận – huyện, làm cơ sở dự báo chiến lược phát triển của TP; cũng như triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ công tác điều hành tổng thể của chính quyền TP; đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TP Hồ Chí Minh phát triển thành đô thị thông minh và nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp; đồng thời khai thác sự phát triển nhanh của các công nghệ mới trong cách mạng công nghiệp 4.0, như: Internet vạn vật (IoT), cơ sở dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ trợ lý ảo, robot thông minh…
Bà Võ Thị Trung Trinh cho rằng: Qua gần 2 năm triển khai giai đoạn 1 Đề án, kho dữ liệu dùng chung của TP đã hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế TP, Sở Y tế, Sở TN&MT, Sở LĐTB&XH… Một số cơ sở dữ liệu quan trọng đã được tích hợp về kho dữ liệu dùng chung như cơ sở dữ liệu một cửa điện tử; khiếu nại tố cáo; đường dây nóng; đăng ký doanh nghiệp; đầu tư nước ngoài; người nộp thuế; lao động nước ngoài; cơ sở dữ liệu đất đai…
"Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Kho dữ liệu dùng chung, Sở TT&TT đã tổ chức xây dựng Quy chế tích hợp, quản lý, vận hành, khai thác Kho dữ liệu dùng chung của TP. Mục tiêu của Quy chế này là nhằm cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo TP trong việc triển khai kho dữ liệu dùng chung của TP; tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức tạo lập, tích hợp, khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu dùng chung; là cơ sở để tổ chức khai thác, sử dụng các kết quả thành phố đã đạt được trong việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước, hướng đến phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp." - Phó Giám đốc Sở TT&TT Võ Trung Trinh nhấn mạnh.
 Hệ thống giám sát giao thông thuộc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Ảnh Huy Chương
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo về kho dữ liệu dùng chung, cụ thể là về hành lang pháp lý, mô hình kho dữ liệu, danh mục điện tử dùng chung, danh mục dữ liệu doanh nghiệp, danh mục dữ liệu về người dân. Về danh mục điện tử dùng chung, theo dự thảo, gồm có các thông tin liên quan đến vị trí địa lý, các thông tin chính để làm nền tảng cho cơ quan chức năng thuận tiện trong việc quản lý.
Danh mục doanh nghiệp sẽ có các thông tin như mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, mã số thuế, loại hình doanh nghiệp, vốn điều lệ, danh sách thành viên, … Còn dữ liệu người dân liên qua đến mã số định danh cá nhân, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, thường trú, tạm trú… Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh sẽ gửi cổng dữ liệu demo về cho các đơn vị sử dụng thử, trên cơ sở đó có những góp ý để hoàn chỉnh dần.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm một số chi tiết, như về dữ liệu người dân thì phần quan hệ với chủ hộ cần thể hiện rõ, ngoài ra các thông tin về học vấn, kinh nghiệm làm việc cũng nên có; nên quy định cho phép người dân và doanh nghiệp được đề xuất dữ liệu, vì họ là người thụ hưởng dịch vụ nên được đề xuất cần những dữ liệu gì; tần suất cập nhật là bao lâu, định kỳ 3 tháng hay 1 năm sẽ cập nhật dữ liệu 1 lần. Ngoài ra, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về độ mở của dữ liệu đến đâu, nhất là các vấn đề liên quan đến thông tin cá nhân, đến an ninh quốc phòng.
Trao đổi thêm về những vấn đề này, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, đề án đang xây dựng hướng tới tích hợp dữ liệu dùng chung của nhiều cơ quan nhà nước, không phải là dữ liệu chuyên ngành. Về việc cho phép người dân và doanh nghiệp được đề xuất, Sở đang nghiên cứu thực hiện dữ liệu mở, thực tế khi diễn giải dưới góc độ dữ liệu thì có đến 4,5 trường thông tin. Còn tùy dữ liệu đó có được chia sẻ hay không, từ một dữ liệu làm nền tảng chúng ta sẽ có thể làm giàu thêm cho kho dữ liệu và kho dữ liệu dùng chung không thay thế dữ liệu chuyên ngành.
Việc tạo lập nguồn dữ liệu là của từng ngành, còn việc cập nhật, làm giàu kho dữ liệu mới là việc của đề án. Điều này liên quan đến trách nhiệm của người cung cấp và người sử dụng. Hiện nay thành phố đang thử nghiệm chia sẻ dữ liệu về lĩnh vực y tế và sắp tới là lĩnh vực giáo dục. Theo đó, người dân có thể truy cập vào địa chỉ: https://data.hochiminhcity.gov.vn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần