TP Hồ Chí Minh xin thành lập thêm 3 cơ sở đào tạo lái xe

Đoàn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/6, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về quy hoạch cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn TP.

Hiện tại, TP Hồ Chí Minh có 54 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, trong khi đó nhu cầu học và thi lấy giấy phép lái xe của người dân TP ngày càng tăng cao.
TP Hồ Chí Minh xin tăng thêm 3 cơ sở đào tạo giấy phép lái xe
Nhằm giải quyết tình trạng tồn đọng hồ sơ đào tạo lái xe, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong việc học và thi giấy phép lái xe, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép TP TP Hồ Chí Minh được mở mới thêm 3 cơ sở đào tạo lái xe. Cơ sở mới phải đảm bảo quy mô đáp ứng tối thiểu 500 học viên, nằm ngoài khu vực trung tâm TP, không gây ùn tắc giao thông, ưu tiên vùng xa, kinh tế khó khăn hoặc khu vực ít hay chưa có cơ sở đào tạo lái xe.
Theo UBND TP, về quy hoạch hệ thống đào tạo lái xe cơ giới đường bộ của khu vực TP Hồ Chí Minh cần đảm bảo tỷ lệ là 5 - 6 cơ sở/1 triệu dân. Trong khi đó, dân số trung bình của TP năm 2017 là 8,6 triệu người, tăng 2% so với năm 2016. Nếu tiếp tục tốc độ gia tăng dân số như hiện nay thì đến năm 2020, TP có thể đạt trên 10 triệu dân (chưa tính đến số lượng từ các tỉnh thành khác đến sinh sống, làm việc) và tương ứng cần đến 60 cơ sở đào tạo lái xe.
Mặt khác, ngành vận tải - kho bãi đang có đóng góp lớn (8,6%) trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2017, chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong chín ngành dịch vụ trên địa bàn TP. Năm 2017, doanh thu vận tải hàng hóa đường bộ và doanh thu vận tải hành khách đường bộ tăng lần lượt là 15% và 22% so với năm 2016; tổng lượng phương tiện ô tô được quản lý trên địa bàn là 675.143 phương tiện, tăng 59.748 phương tiện so với năm 2016 (tương đương 9,7%); tổng số giấy phép lái xe ô tô được cấp mới là 153.736 giấy phép, tăng 14% so với năm 2016.
Theo dự báo, nhu cầu học và thi sát hạch lái xe của người dân có thể vẫn tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.