TP Hồ Chí Minh: Xuất hiện sương mù do ô nhiễm, chuyên gia cảnh báo bụi mịn đạt mức nguy hại

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh liên tục xuất hiện lớp sương mù dày đặc màu trắng đục, bao phủ trên diện rộng.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể gây nên nhiều bệnh cấp tính.
Ô nhiễm tăng đột biến
Theo ghi nhận của PV Báo Kinh tế & Đô thị, từ sáng sớm 21/9 nhiều khu vực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị che phủ bởi lớp sương mù dày đặc, thời tiết se lạnh hơn những ngày bình thường, việc di chuyển của người dân khó khăn vì tầm nhìn bị hạn chế.
Đến 10h, nhiều khu vực vẫn còn mịt mù trong làn sương, các tòa nhà cao tầng gần như bị che khuất nếu đứng khoảng cách xa hơn 100m. Điều này khiến người dân TP rất hoang mang, lo sợ về tình hình ô nhiễm không khí nặng, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
 Không khí ô nhiễm được dự báo sẽ còn tiếp tục ''bủa vây'' TP Hồ Chí Minh trong những ngày tới.
Chị Thu Thuỷ (quận Thủ Đức) cho biết: “Tôi có thói quen đi làm sớm, vừa không kẹt xe, vừa tận hưởng không khí trong lành. Tuy nhiên, 1 tuần nay tôi phải thay đổi thói quen này vì thấy xuất hiện sương mù dày đặc, gây cảm giác khó thở, tầm nhìn kém khiến việc chạy xe không an toàn”, chị Thuý nói.
Tương tư, anh Huy (quận 8) cũng tỏ ra lo lắng: “Trước giờ TP không có hiện tượng sương mù như thế này, không biết là do đâu. Khi chạy xe mặc dù đã đeo khẩu trang tôi vẫn cảm nhận thấy trong lớp sương mù có bụi, kèm mùi hôi cảm giác hít vào gây khó thở”, anh Huy nhận định.
Đến ngày 23/9, nguồn tin từ Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu - Viện Môi trường và Tài nguyên (thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, đã xác định được nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở TP và nhiều tỉnh Nam Bộ những ngày qua là do khói bụi ô nhiễm từ cháy rừng ở Indonesia khuếch tán sang Việt Nam.
Bên cạnh đó, độ ẩm trong không khí cao (mưa nhẹ nên độ ẩm rất cao 95%-100%) và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết để hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù.
Ngoài ra do trời không nắng nên không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt, làm cho các khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được, khiến người dân phải hít khí ô nhiễm này.
Để đưa ra kết luận trên, Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu chạy mô hình mô phỏng truy tìm nguồn gốc ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh theo hai chiều.
Cụ thể, ngày 18/9, có những đám cháy rừng lớn và trên diện rộng tại Indonesia, theo hướng gió và tốc độ gió, sau 2-3 ngày, các chất ô nhiễm này bay tới TP Hồ Chí Minh, vì vậy ngày 20/9, nồng độ ô nhiễm không khí TP tăng cao đột biến.
Cũng dùng mô hình chạy ngược lại xem thử ô nhiễm không khí vào ngày 22/9 do đâu ra, kết quả cho thấy rằng xuất phát từ cháy rừng ở Indonesia.
Bụi mịn đạt mức nguy hại
 Nhiều toà nhà cao tầng tại TP Hồ Chí Minh bị che khuất do xuất hiện sương mù dày đặc.
Trùng với thời điểm xuất hiện mù dày đặc, Tổ chức quốc tế giám sát chất lượng không khí AirVisual đã đưa ra cảnh báo mức ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày 20/9 tại TP đo được cao nhất là 175 (khu Thảo Điền, quận 2). Chỉ số AQI tại trung tâm quận 1 là 174 và khu vực Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đạt mốc 166. Ô nhiễm không khí với nồng độ bụi siêu vi PM2.5 ở mức 102.7 µg/m³.
Theo bản đồ trực quan, chỉ số chất lượng không khí tại TP đang duy trì ở mức màu đỏ, đây là mức thuộc nhóm có hại cho sức khoẻ con người.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, bác sĩ Bùi Quang Phục nhận định: “Bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể gây nhiều bệnh cấp tính hoặc tích tụ lâu dài, phá hủy dần cơ thể, phát bệnh sau 5-10 năm."
“Nếu môi trường không lành mạnh và mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, những bệnh liên quan đến "cửa ngõ của cơ thể" rất dễ xuất hiện và khó kiểm soát. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, chất độc trong môi trường không khí ô nhiễm sẽ làm tăng độc tố trong máu. Sự tích tụ này về lâu dài có thể gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp, từ đó dẫn đến các hệ lụy nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim”, bác sĩ Phục phân tích.
Vì vậy, bác sĩ Phục tư vấn, nếu phải ra đường vào những ngày không khí ô nhiễm, khẩu trang là phương tiện được nhiều người lựa chọn để giảm bớt tác hại của khói bụi. Mọi người nên mang hai lớp khẩu trang để có tác dụng kháng khuẩn, kháng bụi tốt nhất. Lưu ý, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ không nên che chắn quá nhiều nhiều lớp khẩu trang, quần áo. Điều đó có thể gây tác dụng ngược như khiến trẻ sốc nhiệt, mất nước, suy hô hấp.
Chuyên gia dự báo thời tiết Lê Thị Xuân Lan cũng đưa ra lời cảnh báo về việc sương mù tại TP rất độc do kèm theo các chất ô nhiễm, người dân nên mang kính, đeo khẩu trang khi ra đường để bảo vệ mắt và đường hô hấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần