TP Hồ Chí Minh: Yêu cầu quan trắc chất lượng nước đầu nguồn

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) có trách nhiệm phải khẩn trương quan trắc, kiểm soát ô nhiễm chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, kênh Đông...

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản giao Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) phối hợp với các sở ban ngành liên quan khẩn trương xây dựng Kế hoạch cấp nước an toàn và an ninh nguồn nước.
 UBND TP yêu cầu công ty Sawaco quan trắc chất lượng nước đầu nguồn (Ảnh minh hoạ)
Theo yêu cầu của UBND TP, công ty Sawaco quan trắc, kiểm soát chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, kênh Đông...; đồng thời, xây dựng giải pháp phòng chống, ngăn chặn xả thải từ khu công nghiệp, chế xuất, khu dân cư gây ô nhiễm nguồn nước.
Đồng thời, TP cũng đề nghị Sawaco xây dựng kịch bản ứng phó, xử lý sự cố ô nhiễm có thể xảy ra và có kế hoạch diễn tập ứng phó.
Thêm vào đó, công ty Sawaco còn có trách nhiệm nêu ra những tồn tại cần phải điều chỉnh Quy hoạch cấp nước để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay của thành phố như: sự phát triển kinh tế của TP, yêu cầu dự trữ nguồn nước sạch, liên kết vùng với các tỉnh lân cận, tốc độ tăng dân số... Ngoài ra, báo cáo, kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch cấp nước thành phố giai đoạn 2020-2030 và những năm tiếp theo.
UBND TP yêu cầu Sawaco có văn bản báo cáo hai vấn đề trên trước ngày 10/11/2019.
TP cũng giao Sở Xây dựng khẩn trương kiện toàn nhân sự Ban chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch TP phù hợp với chương trình quốc gia giai đoạn 2016-2025. Sở Xây dựng có trách nhiệm gửi danh sách này cho Sở Nội vụ tham mưu trước 5/11 để trình UBND TP.
Trước đó, ngày 27/9, tại hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu ứng dụng nhằm cung cấp nước sạch cho người dân - khuyến nghị cho TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2035”. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đánh giá, hiện nay nguồn nước thô của TP được khai thác từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai nhưng TP lại nằm phía cuối lưu vực nên vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của sự phát triển kinh tế-xã hội dọc theo lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai là rất lớn.
"Quy hoạch mạng lưới cấp nước TP được cấy tạo mạng vòng, không có những bể chứa nước để điều phối và dự phòng trên hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước. Chất lượng nước tại nhà máy sau khi xử lý quy chuẩn có thể dùng cho ăn uống trực tiếp nhưng khi đến người sử dụng thì một số chỉ tiêu chất lượng chưa đảm bảo,…" - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết thêm.
Theo ông Võ Văn Hoan, quy hoạch cấp nước của TP cần phải được xem xét, điều chỉnh hoặc làm quy hoạch mới, trở nên cấp bách. Quy hoạch cấp nước của TP phải gắn với quy hoạch cấp nước của vùng. Khi quy hoạch phải chú ý đến an ninh nguồn nước và chú ý đến việc sử dụng nước tiết kiệm.
Theo quy hoạch, tổng công suất cấp nước của TP đến năm 2015 là 2,84 triệu m3/ngày và đến năm 2025 là 3,7 triệu m3/ngày. Từ khi quy hoạch đến nay, tổng công suất cấp nước toàn TP đạt 2,4 triệu m3/ngày, đảm bảo nhu cầu dùng nước của người dân TP cho sản xuất và sinh hoạt.
Cũng theo quy hoạch, chỉ tiêu tỉ lệ hô dân được sử dụng nước sạch đến năm 2015 đạt 100% đối với khu vực nội thành cũ và 98% đối với khu vực nội thành mới và ngoại thành. Đến năm 2025, 100% hộ dân TP được cấp nước sạch. Đến nay, tỉ lệ hộ dân TP được cấp nước sạch là 100%. Tuy nhiên, việc cấp nước qua đồng hồ tại nhà dân đạt 97,8%, còn 2,2% thông qua các giải pháp cấp nước khác (đồng hồ tổng, bồn nước, thiết bị lọc).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần