TP.HCM: Đề nghị liên ngành Công an, TAND tối cao, VKSND tối cao làm rõ việc người bị thi hành án tù vẫn tham gia các hoạt động tố tụng dân sự

Theo Tạp chí Mặt trận
Chia sẻ Zalo

Dù bản thân phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và bị Tòa án nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh kết án 20 năm vì tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tuy nhiên, kể từ khi bị khởi tố cho đến các phiên xét xử, Dương Thị Kim Luyến (SN 1972 tại Hưng Yên) vẫn được tại ngoại và càng kỳ lạ hơn, thời gian gần đây, người phụ này vẫn tham gia các hoạt động tố tụng dân sự như một công dân bình thường.

 Các bị cáo, trong đó có Dương Thị Kim Luyến đang chờ nghe tuyên án trong vụ án phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 7 TPHCM ngày 24/10/2016. Báo: SGGP.

Như đã thông tin, Dương Thị Kim Luyến - Giám đốc Công ty TNHH Mai Khôi cùng chồng là Phạm Trịnh Thắng (SN 1971, tại Hà Nội) - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Mai Khôi là 2 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh 7 (Agribank - NHNo7 (PV)), Công ty TNHH Thương mại Mai Khôi và một số đơn vị liên quan xảy ra vào tháng 10/2016.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt, Phạm Trịnh Thắng (chồng Luyến) tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cùng với tội danh tương tự, Dương Thị Kim Luyến bị xử y án sơ thẩm là 20 năm tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

Ngày 28/12/2016, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 996/2016/QĐ-CA quyết định thi hành án hình phạt tù đối với Dương Thị Kim Luyến.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì đối với người bị Tòa án tuyên án hình phạt tù đang tại ngoại thì trong khoảng thời gian là 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người phải thi hành án đang tại ngoại đó phải có mặt tại cơ quan thi hành án để thi hành án.

Thế nhưng, kỳ lạ thay, ngày 24/11/2018, Công ty TNHH Thương mại Mai Khôi; địa chỉ trụ sở chính tại: số 16/11B khu phố 5, phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai do Dương Thị Kim Luyến - Giám đốc, là người đại diện pháp luật yêu cầu Tòa án nhân dân quận Tân Phú TP Hồ Chí Minh tuyên bố văn bản công chứng số 1710/2018/HC-VCB/HĐMBTSĐG ngày 17/10/2018 giữa Chi cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Tập đoàn KITA vô hiệu (Đây là Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 359, 455, 456, 457, 458, 460, 461, 462, thuộc tờ bản đồ số 03; thửa đất số 14, 510, 511 thuộc tờ bản đồ số 04 taị phường Phú Thuận, Quận 7, TP Hồ Chí Minh đã bị Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh kê biên từ năm 2015, trong đó Chi cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh là người có tài sản đấu giá).

 
 
 
 Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 198/2019/QĐST-DS ngày 15/7/2019 của Tòa án nhân dân quận Tân Phú TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, năm 2017, Công ty TNHH Thương mại Mai Khôi đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đã thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Do đó, Công ty TNHH Thương mại Mai Khôi đã chấm dứt tồn tại pháp nhân theo quy định của pháp luật.

Bản thân Dương Thị Kim Luyến - là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Mai Khôi cũng sẽ không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 13; Khoản 2 Điều 18 và Khoản 1 Điều 65 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán Trần Ngọc Oánh, Tòa án Nhân dân Quận Tân Phú TP Hồ Chí Minh đã ký ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 198/2019/QĐST-DS ngày 15/7/2019.

Theo đó, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thụ lý số 422/2018/DSST ngày 04/12/2018 về việc “Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” giữa nguyên đơn Công ty TNHH Thương mại Mai Khôi và bị đơn là Văn phòng Công chứng Tân Phú (địa chỉ số 677 đường Lũy Bán Bích, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh).

 
 
 Quyết định chấp nhận việc kháng cáo quá hạn số 62/2019/QĐ-PT cho thấy, Dương Thị Kim Luyến mắc chứng bệnh tiền đình.

Sau đó, ngày 01/11/2019, Thẩm phán Phan Thị Hằng, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh ký ban hành Quyết định chấp nhận việc kháng cáo quá hạn số 62/2019/QĐ-PT đối với Đơn kháng cáo ngày 22/7/2019 của Công ty TNHH Thương mại Mai Khôi nộp trong luật hạn định, hình thức và nội dung kháng cáo đúng theo quy định tại Điều 272 của Bộ luật tố tụng Dân sự.

Tuy nhiên, điều mà dư luận thấy khó hiểu nhất xuyên suốt quá trình tố tụng 2 vụ án hình sự và dân sự đều liên quan đến Dương Thị Kim Luyến là tại sao người phụ nữ này lại nhận được quá nhiều “ưu ái” đến vậy?

Tại sao Dương Thị Kim Luyến là bị can, bị cáo của vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn và được Tòa án xử phạt đến 20 năm tù giam, nhưng trước cả hai phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vào năm 2015, 2016, các cơ quan tiến hành tố tụng lại cho Dương Thị Kim Luyến được cho tại ngoại?

Ngoài ra, nhân thân của Dương Thị Kim Luyến trong quá trình xét xử đã được xác định là có chồng và 3 con, lớn nhất sinh năm 2000, nhỏ nhất sinh năm 2011. Như vậy, có thể thấy, tính tới phiên xét xử sơ thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh 7, đứa con nhỏ nhất của Dương Thị Kim Luyên cũng đã trên 36 tháng tuổi.

Trong khi đó, Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 quy định hoãn chấp hành hình phạt tù quy định:

“1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:

a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;

b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;

c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm”.

Đối chiếu với các quy định trên, việc các cơ quan tiến hành tố tụng cho Dương Thị Kim Luyến được tại ngoại mà tội danh của y thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng là rất có vấn đề.

Thêm nữa, tại vụ án dân sự sơ thẩm “Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” số 422/2018/DSST ngày 04/12/2018 mà Tòa án nhân dân quận Tân Phú TP Hồ Chí Minh có mọi chỉ dấu cho thấy sự có mặt Dương Thị Kim Luyến và người phụ nữ này đang có bệnh án rối loạn tiền đình.

Có hay không việc Dương Thị Kim Luyến vẫn đang tại ngoại mặc dù Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh có quyết định thi hành án hình phạt tù đối với Dương Thị Kim Luyến.

Trong khi đó, tại Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung năm 2017 và được hướng dẫn tại Mục 7 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTPTANDTC, bệnh rối loạn tiền đình mà Dương Thị Kim Luyến không nằm trong các trường hợp sau được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.

Có hay không việc Dương Thị Kim Luyến sử dụng lý do bệnh tật để hoãn thi hành án? Phải chăng pháp luật đang bỏ quên tên tội phạm Dương Thị Kim Luyến? Tại sao Dương Thị Kim Luyến vẫn thực hiện quyền tố tụng dân sự như một công dân bình thường trong khi bản thân y đang mang trọng tội với mức án 20 năm tù.

Từ vụ việc Dương Thị Kim Luyến bị kết án 20 năm tù và đã có quyết định thi hành án của cấp có thẩm quyền nhưng vẫn tham gia vào hoạt động tố tụng của một vụ án dân sự khác với vai trò là người đại diện pháp luật của một bên đương sự như đã nêu ở trên, đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần khẩn trương vào cuộc, xác minh, làm rõ quá trình thi hành án hình sự đối với Dương Thị Kim Luyến trong vụ việc này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần