Trà “4 sao” trên đất đồi gò

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP Hà Nội, huyện Sóc Sơn đã lựa chọn và tập trung phát triển cây chè thành sản phẩm có chất lượng, thương hiệu của địa phương.

Ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên là một trong những hộ trồng nhiều chè nhất với gần 1ha. Nhờ địa thế đồi gò, khí hậu mát mẻ quanh năm nên cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu hoạch khoảng 1 tấn chè khô/ha.
Nhờ cây chè, gia đình anh Tuyên đã có thêm nguồn thu nhập quan trọng. Tuy nhiên, gia đình anh Tuyên cũng như phần lớn các nông hộ tại xã Bắc Sơn hiện vẫn chủ yếu sử dụng giống chè cũ. Cùng với việc chưa áp dụng thâm canh, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên năng suất và chất lượng sản phẩm chè nhìn chung khá hạn chế.
 Bà con nông dân xã Bắc Sơn thu hoạch chè.
Trong bối cảnh đó, chính quyền địa phương đã thành lập HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn để gắn kết người trồng chè. Theo Giám đốc Hợp tác xã Đào Thị Quý, tổ chức hiện có 30 thành viên, quản lý 100ha chè canh tác theo hướng VietGAP và an toàn. Theo bà Quý, được sự hỗ trợ của địa phương và các sở, ngành Hà Nội, từ năm 2015, sản phẩm “Chè an toàn Bắc Sơn” đã được cấp nhãn hiệu tập thể.
Thời gian qua, chất lượng của những nương chè ở xã Bắc Sơn tiếp tục được cải thiện. Niềm vui đã đến với HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn và các thành viên khi UBND TP Hà Nội đã quyết định công nhận “Trà Bắc Sơn” là sản phẩm OCOP. Thậm chí, Trà Bắc Sơn đã đạt đến “4 sao” (tiêu chuẩn sản phẩm cao nhất là 5 sao).
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, “Trà Bắc Sơn” là 1 trong 4 nhóm sản phẩm của địa phương đã được TP cấp sao. Việc được cấp sao sẽ là tiền đề để sản phẩm chè Bắc Sơn nói riêng, địa phương nói chung tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, cạnh tranh với sản phẩm chè từ các tỉnh, TP khác.
Đại diện phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết thêm, thời gian tới, địa phương chủ trương sẽ hỗ trợ 50% kinh phí để HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn tiếp tục mở rộng quy mô canh tác chè an toàn và VietGAP, đặc biệt là áp dụng cơ giới hóa, thâm canh vào sản xuất nhằm nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng cho loại cây trồng này.
“Địa phương hiện có 650ha chè, trong đó có 40% diện tích canh tác các giống mới. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích giống chè mới thay thế các nương chè giống cũ. Đồng thời, nhân rộng diện tích thâm canh chè theo hướng VietGAP, an toàn trên toàn huyện” – ông Dũng thông tin thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần