Trả lại vẻ đẹp của con đường gốm sứ

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những mảng bê tông xám xịt, xấu xí, bức tường con đường gốm sứ trên mặt đê sông Hồng đã trở thành một công trình kiến trúc nghệ thuật mang tính biểu tượng của Hà Nội.

7 năm hoàn thành và được ghi danh kỷ lục GUINESS, con đường ấy đã bong tróc, Hà Nội lại đầu tư 2,5 tỷ đồng duy tu, làm đẹp lại công trình văn hóa này.
Con đường lao động

Người ta hay gọi con đường gốm sứ là con đường lao động vì từ 1 giờ sáng đến 22 giờ, nơi đây lúc nào cũng tấp nập. Cảnh giao thương bến chợ Long Biên hay dòng người ngược xuôi từ ga Long Biên gần đó; Những hàng nước chè, hàng rong cũng tranh thủ dựng vài cái ghế, ghé sát lề đường phía con đường gốm sứ. Không thiếu những đêm, những người thợ hồ, nhóm người khuân vác tranh thủ trải chiếu ngả lưng tạm bên vỉa hè.

Con đường gốm sứ, bên cạnh những mảng vẽ gợi nhớ dòng chảy lịch sử, còn mang dấu ấn riêng của Hà Nội. Họa sĩ Thu Thủy - tác giả của dự án đã lựa chọn được những hình ảnh điển hình của Hà Nội như cảnh sinh hoạt thời xưa, thầy đồ, chợ hoa... hay những bức vẽ phố cổ Hà Nội để "in" lên địa chỉ văn hóa công cộng. Chất liệu gốm Bát Tràng cũng là một đặc trưng của Hà Nội được lựa chọn thể hiện. Đây là công trình mỹ thuật công cộng đầu tiên có quy mô hoành tráng ở Hà Nội, là dấu ấn kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Dự án cũng mở ra cách nhìn mới cho các nghệ sĩ về mỹ thuật công cộng, và làm thay đổi cách giữ gìn môi trường của người dân.

Đoàn thanh niên làm sạch con đường gốm sứ ven đê sông Hồng. Ảnh: Dương Giang

Con đường gốm sứ là “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới” được tổ chức kỷ lục Guinness thế giới công nhận. Địa điểm này cũng thu hút sự chú ý của nhiều khách du lịch khi đến Thủ đô. Thế nhưng, theo thời gian, “di sản thuộc về Nhân dân” lại đang dần mất đi vẻ đẹp ban đầu bởi những vết nứt, bong tróc và bám bẩn. Đã có rất nhiều hoạt động được tổ chức nhằm trùng tu, giữ gìn vẻ đẹp của con đường. Ví như hoạt động của “Biệt đội xanh” từ chiến dịch “Vì một Việt Nam tỏa sáng” do nhãn hàng các sản phẩm tẩy rửa đa năng CIF thực hiện, cũng góp phần khôi phục vẻ đẹp trên một đoạn đường bị bám bẩn, hoặc hoạt động bảo dưỡng thường xuyên của khối Đoàn thanh niên quận Hoàn Kiếm, nhưng những vét nứt kéo dài, lớp màu gốm xỉn đi theo thời gian khiến công trình kỷ lục ấy không còn đẹp như thưở ban đầu.

Duy tu để giữ gìn

“Thân đê được thiết kế với những khe co giãn nhằm đối phó với nguy cơ rung, lún. Tuy nhiên, khi làm tranh gốm, nhà thiết kế lại bỏ qua chi tiết này, kết cấu gốm sứ liền mảng nên bức tranh bị xô lệch, bung, nứt sau một thời gian chịu ảnh hưởng của rung chấn giao thông. Vì vậy, cần có phương án khắc phục tình trạng này, đồng thời tìm vật liệu kết dính công nghệ mới để xử lý những mảng bị bong, neo gia cố mặt sau những đoạn tường gạch xây thêm, mới có thể chấm dứt cảnh nay gắn, mai bong” - PGS.TS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam phân tích. Họa sĩ Lê Thiết Cương thì cho rằng, cùng với các giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng hiệu quả, UBND TP Hà Nội cần có kế hoạch dài hạn cho việc vệ sinh bề mặt công trình cũng như cắt tỉa hoa, cây cảnh hằng ngày. Quan trọng và cấp thiết không kém là tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, xử lý nghiêm hành vi gây tổn hại cho công trình giàu ý nghĩa này.

Từ đầu tháng 12/2017, công trình văn hóa này không còn bảo dưỡng theo cách hỏng đâu sửa đấy. Những ngày Hà Nội mưa rét này, những họa sĩ từng góp sức trên con đường gốm sứ lại xắn tay áo ra đường Hồng Hà nhặt từng mảnh gốm, ghép lại từng vết nứt của bức tranh. “Việc bảo dưỡng lần này sẽ làm triệt để đảm bảo độ đẹp và bền cho bức tranh gốm” - họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - Công ty TNHH Nghệ thuật Tân Hà Nội – đơn vị thi công chia sẻ.

Trước mắt, việc bảo dưỡng, duy tu sẽ thí điểm một đoạn dài 1,01km, từ số nhà 1053 đường Hồng Hà đến đường Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm), hoàn thành trước Tết Âm lịch Bính Thân. Nếu phương án sửa chữa, gia cố hiệu quả, một phương án duy tu tổng thể sẽ được trình lên UBND TP để thực hiện vào năm 2019. Con đường gốm sứ đang bước vào một cuộc đại trùng tu lấy lại vẻ đẹp của “Bức tranh ghép gốm lớn nhất thế giới”.