Trả lời chất vấn cử tri: Đừng né tránh trách nhiệm

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện các đại biểu Quốc hội đang tiến hành tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Đây là hoạt động được nhiều người dân quan tâm, bởi không chỉ là dịp đại biểu truyền tải tới cử tri những quyết sách từ nghị trường, còn là dịp để cử tri bày tỏ tâm tư, ý kiến với người đại diện của dân.

 Ảnh minh họa
Phải nhìn nhận rằng, chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri ngày càng được nâng cao; nhiều kiến nghị được giải quyết kịp thời, dứt điểm, khiến người dân rất mừng khi tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình được đáp ứng, tạo niềm tin đối với chính quyền địa phương các cấp, góp phần hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo. Nhìn từ thực tế cũng cho thấy, gần như toàn bộ các kiến nghị đều được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết hoặc trả lời và báo cáo lại với cử tri. Điều đó được người dân đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều cử tri băn khoăn là hiệu quả thực chất của việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri ấy tại một số cấp, ngành vẫn còn chưa thực sự đạt mong muốn. Không ít nội dung trả lời chung chung, kiểu trích dẫn lại các quy định của pháp luật, chưa đi thẳng vào vấn đề người dân quan tâm. Thậm chí có nơi, cử tri nhận được những lời hứa hẹn nhưng kết quả nhận được không thực chất. Hoặc vẫn còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh những vấn đề phức tạp đang diễn ra trong thực tế cuộc sống của người dân... Bởi thế, dù một năm diễn ra nhiều cuộc tiếp xúc cử tri nhưng có những kiến nghị hầu như cuộc nào cũng được nhắc đến, thậm chí kéo dài từ năm này qua năm khác, gây bức xúc trong thực tiễn.
Những vấn đề “nóng”, những vấn đề dân sinh bức xúc về trật tự đô thị, ô nhiễm môi trường, tình trạng ùn tắc giao thông, hay cơ chế chính sách cụ thể… là chuyện khó có thể giải quyết dứt điểm, toàn diện được nên cũng khó tránh việc cử tri liên tục kiến nghị. Nhưng điều nhiều người dân mong muốn là trước những kiến nghị ấy, thay vì chỉ trả lời theo kiểu bảo đảm về mặt hình thức là “đã trả lời” hoặc trích thông tư, nghị định, các quy định pháp luật rất nhiều nên có được những giải pháp để phân rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, góp phần đưa đến cho cử tri một phản hồi sát thực và đầy đủ nhất.
Đồng thời, người dân cũng mong muốn, mỗi đại biểu không chỉ tiếp xúc để lắng nghe, ghi chép nguyện vọng, đề xuất, thắc mắc của cử tri mà quan trọng hơn là giám sát việc trả lời, giải đáp, giải quyết các kiến nghị chính đáng được một cách thấu tình, đạt lý. Để qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong thực tế, giúp người dân thêm niềm tin, tiếp tục gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của mình qua những người đại biểu của dân.