Trả lương cần phân biệt rõ người làm việc tốt và người không đáp ứng yêu cầu

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Cải cách chính sách tiền lương là một trong những chương trình trọng tâm cải cách hành chính, thời gian qua luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết.

Hôm nay (12/10) tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học “Về bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương” nhằm lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
 
Hội thảo đã tiến hành đánh giá các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân hạn chế của cải cách tiền lương từ năm 2004 đến nay; mối liên hệ giữa cải cách chính sách tiền lương của CB, CC, VC và lực lượng vũ trang đối với các vấn đề đặt ra hiện nay. Đồng thời, các ý kiến cũng đi sâu phân tích bối cảnh chính trị, kinh tế - xã hội của thế giới và Việt Nam, các thuận lợi, khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến cải cách tiền lương ở nước ta trong giai đoạn tới để xác định vai trò và nguồn lực dành cho cải cách tiền lương trong phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Cải cách chính sách tiền lương là một trong những chương trình trọng tâm cải cách hành chính, thời gian qua luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, chính sách tiền lương là câu chuyện rất khó, liên quan tới rất nhiều cải cách hành chính, công vụ, công chức. Luật Công chức, viên chức có rất nhiều nội dung đổi mới trong cơ chế quản lý như xác định vị trí việc làm. Ngoài ra, một nguyên tắc mới là xác định tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm để quản lý tốt hơn về biên chế. Chính sách tiền lương, chế độ tiền lương đã trải qua 4 đợt cải cách, mà qua mỗi lần như vậy, chế độ tiền lương được cải thiện, đổi mới lên 1 bước nhưng đều gắn liền với cơ chế quản lý đội ngũ cán bộ, công chức.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, trước đây chúng ta vẫn suy nghĩ cần nâng lương tối thiểu, nhưng thực tế đây không phải là cải cách tiền lương. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu xây dựng đề án cải cách tiền lương, trong đó xác định đầu tiên phải thay đổi từ nhận thức. Không phải cứ nâng lương tối thiểu là cải cách tiền lương, mà cải cách liên quan đến vấn đề cơ chế, tạo nguồn, về chế độ tiền lương hiện nay… Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo tiền lương cho người công chức đó yên tâm làm việc, yên tâm phục vụ Nhân dân.

“Muốn cải cách đạt mục tiêu, trước hết phải thay đổi được nhận thức về việc trả lương và thay đổi cơ chế trả lương cho công chức, gắn với tính chất đặc điểm hoạt động của họ. Làm sao phân biệt được giữa người làm việc tốt và người làm không tốt; người làm việc tận tâm, hiệu quả thì phải được trả khác với người lười biếng, không đáp ứng được yêu cầu. Người làm việc không đáp ứng yêu cầu thì phải được đưa ra khỏi công vụ bằng chính sách tinh giản biên chế, để chỉ giữ lại những người làm việc tốt, thu hút người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực vào làm việc”, ông Tuấn khẳng định.

Hội thảo khoa học lần này được Bộ Nội vụ tổ chức cũng nhằm lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, tranh thủ kinh nghiệm và trí tuệ của họ để đưa ra được những giải pháp phù hợp nhất, để Bộ Nội vụ xây dựng, hoàn thành Đề án cải cách tiền lương và trình Chính phủ xem xét trong thời gian tới.