Trà sen

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến hẹn lại lên, khi cái nắng mùa hè bắt đầu chói chang hơn cũng là lúc phố xá Hà Nội thoang thoảng hương thơm tinh khiết của những đóa sen đầu mùa. Những người yêu trà Hà Nội khấp khởi với vụ trà sen mới.

Trà được ướp với hương của nhiều loại hoa để trở thành các loại nổi tiếng như trà sen, trà cúc, trà nhài, trà ngâu… Trong đó, trà sen được xem như một đặc sản, một nét thanh quý của người Hà Nội. Cái tinh túy nhất của trà sen chính là nghệ thuật thưởng trà. Từ xa xưa, thưởng trà sen được coi là thú vui tao nhã của các bậc văn nhân, danh sĩ. Trong nghệ thuật ướp, nguyên liệu bây giờ những người yêu trà ưa dùng là trà Tuyết Shan cổ thụ vùng mạn ngược Hà Giang, mọc tự nhiên trên những dãy núi cao 800 -1.300 m, quanh năm sương phủ. Mỗi lớp trà rắc một lớp gạo sen mỏng, rồi lại một lớp trà, một lớp gạo sen... Qua nhiều lần ướp, rồi sấy, ủ, càng nhiều lần, hương sen càng quyện, trà càng thơm. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, mỗi cân trà sen thời xưa được đổi bằng 2 - 3 chỉ vàng và nay cũng vậy, nhưng người sành trà vẫn lùng mua bằng được. Hương trà sen thơm nhẹ mà sâu lắng, vị ngọt đậm và vị chát dịu nhẹ như được dung hoà với nhau theo một công thức bí ẩn của tự nhiên mà người thưởng thức chỉ có thể cảm nhận được chứ không sao diễn tả nổi thành lời.

Tinh hoa trà sen Hà thành đã lan tỏa khắp mọi miền, đến mỗi vùng đất trà sen lại có một cách thưởng thức khác nhau. Nhưng với cách sao riêng, thưởng thức, Hà Nội vẫn giữ được hương vị hòa quyện nguyên sơ, mộc mạc mà tinh tế của hai sản vật mà đất trời ban tặng. Và người ta tưởng rằng, chỉ những người già, nặng lòng với văn hóa xưa cũ mới lưu luyến trà, nhưng thú uống trà cũng đang lôi cuốn cả những người trẻ. Có lẽ cuộc sống ngày càng hiện đại, sự tất bật khiến người ta luôn thèm cảm giác thanh thản và nhẹ nhàng, sự chia sẻ và lắng nghe giữa mọi người. Nhấp một chén trà, vị chát đọng ở đầu lưỡi tan dần và vị ngọt như thấm sâu hơn, hương sen thấm đấm theo từng hơi gió và nhiều người lại khấp khởi rằng: "Hà Nội đang bắt đầu một mùa hè ngát hương".

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần