Trách nhiệm hơn với dự báo

Đàm Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, công tác dự báo thời tiết đã tiệm cận gần hơn, sát hơn về thời gian, mức độ ảnh hưởng của thiên tai đối với người dân nhất là các cơn bão, áp thấp nhiệt đới...

Tuy nhiên, việc dự báo đôi khi vẫn còn thiếu chính xác đã gây nên những tổn thất nghiêm trọng cả về người và của. Những thông tin dự báo thời tiết là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần hạn chế thiệt hại đối với tính mạng của con người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Đặc biệt, thiên tai không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân mà còn là nguyên nhân chính khiến hoạt động sản xuất của ngành nông nghiệp bị ngừng trệ. Theo thống kê năm 2016, thiên tai đã làm 264 người chết và mất tích; 5.341 ngôi nhà bị đổ, sập; gần 365.000 nhà dân bị ngập, hư hại, tốc mái; trên 828.600ha lúa và hoa màu suy giảm năng suất… Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng, đây là con số kỷ lục về thiệt hại do thiên tai gây ra trong vòng 40 năm qua. Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân, thiên tai còn là nguyên nhân chính khiến ngành nông nghiệp tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2016. Trước tổn thất do thiên tai gây ra, vấn đề dự báo thời tiết một lần nữa được người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - đề cập tới tại Hội nghị tổng kết công tác Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn năm 2016 mới đây và cho rằng, công tác dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu, một số trường hợp còn bị động.
Đã hơn 10 năm qua đi, nhưng hậu quả do cơn bão Chanchu vào mùa hè năm 2006 vẫn được người dân Quảng Nam và Quảng Ngãi ghi khắc, do công tác dự báo thiếu chính xác về cơn bão này. Hay như năm 2012, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo cơn bão Nock – Ten (bão số 3), với gió giật cấp 13, sẽ đổ bộ sớm vào vùng ven biển từ Hải Phòng tới Hà Tĩnh làm công tác chuẩn bị phòng chống bão lụt diễn ra hết sức khẩn trương ở các địa phương. Các cấp chính quyền từ T.Ư tới địa phương đã huy động cả những đơn vị quân đội với xe thiết giáp lội nước, xe tải chở bộ đội chạy xuôi ngược, tăng cường vào vùng tâm bão giúp dân. Thế nhưng, đúng ngày giờ theo dự báo vùng tâm bão đổ bộ là… bãi biển Cửa Lò hiền hòa sóng vỗ. Mới đây nhất là năm 2016 với cơn bão số 1 Minirae cũng do dự báo sai đã gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã dự báo bão mạnh cấp 8 nhưng thực tế bão mạnh cấp 9, gió giật cấp 10 - 13, ven biển giật cấp 13 - 15. Hơn nữa, bão di chuyển chậm, thậm chí nhiều lúc không di chuyển khiến sức tàn phá rất lớn. Đặc biệt trong số 12 tỉnh được dự báo bão sẽ đi qua không có Ninh Bình nhưng trên thực tế Ninh Bình là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất... Và còn nhiều lần dự báo sai hoặc dự báo vống lên của cơ quan chức năng về độ nguy hiểm, khốc liệt của thiên tai trong những năm đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.
Vẫn biết thiên tai vốn khắc nghiệt, diễn biến khó lường, dự báo thời tiết khó tránh khỏi những sai sót nên khó đòi hỏi những thông tin chính xác đến tuyệt đối, song cũng không vì thế mà có thể cho phép cơ quan chuyên môn đưa ra dự báo “trên trời” với những sai số quá lớn. Bởi khi cơ quan dự báo để mất niềm tin vì sự thiếu chính xác có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng thảm khốc cả về người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Điều này đòi hỏi những cán bộ của ngành khí tượng thủy văn phải không ngừng học tập nâng cao trình độ để làm chủ công nghệ tiên tiến và phải có tâm, cái tầm của người làm công tác dự báo, đặc biệt là trách nhiệm đối với đất nước, với Nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần