Trách nhiệm nêu gương

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH T.Ư Đảng” là một trong những nội dung lớn được Hội nghị T.Ư 8 lần này tập trung xem xét, quyết định ban hành.

 Khai mạc Hội nghị T.Ư 8. Ảnh: VGP.
Việc T.Ư đưa ra thảo luận quy định này được nhiều ý kiến nhận định là hết sức đúng đắn. Bởi tiêu cực, sai phạm có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào, vì thế vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên mà trước hết là cán bộ cấp cao, hơn lúc nào hết càng trở nên vô cùng quan trọng.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn và kịp thời đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc...
Tuy nhiên, thực tế những mục tiêu đề ra vẫn chưa đạt được, việc nêu gương vẫn chưa thành nền nếp, chưa thành các công việc cụ thể hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên. Vẫn còn những cán bộ nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đặc biệt, vẫn còn nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt các cấp, trong đó có cả cán bộ cấp cao vi phạm khuyết điểm, thậm chí vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý, ra tòa đã trở thành những bài học nhãn tiền gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Có ý kiến nhận định, niềm tin của người dân đối với Đảng thực chất là niềm tin vào những cá nhân, những chức danh cụ thể trong bộ máy của Đảng. Trong thời đại công nghệ thông tin, hình ảnh các nhà lãnh đạo đều được “soi” rất kỹ, việc tốt, việc xấu của họ đều được lan truyền rất rộng, rất nhanh. Vì thế, nếu người lãnh đạo biết làm gương, biết giữ gìn hình ảnh của chính mình cũng là giữ gìn hình ảnh của tập thể. Cán bộ giữ chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương càng phải được coi trọng. Nêu gương cũng là cách lãnh đạo hiệu quả nhất. Bởi việc thực hiện nghiêm ở trên sẽ tạo sức lan tỏa, thuyết phục lớn xuống phía dưới, trên nghiêm nhất định dưới nghiêm, trên gương mẫu nhất định dưới theo.
Do vậy, để khắc phục những bật cập, tiếp tục đẩy mạnh việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH T.Ư, việc có một quy định mới về vấn đề này là rất kịp thời. Hơn nữa, như Tổng Bí thư đã gợi mở, nội dung của bản quy định cần dễ hiểu, dễ nhớ và dễ kiểm tra, giám sát. Dự thảo quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng đồng chí phải gương mẫu đi đầu thực hiện và phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.
Nhiều ý kiến kỳ vọng, Quy định lần này sẽ trở thành một công cụ để kiểm soát quyền lực, đặc biệt là kiểm soát những người nắm nhiều quyền lực. Và khi ban hành sẽ được triển khai, đánh giá một cách toàn diện trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng người, đúng sự việc, để việc nêu gương diễn ra hàng ngày, hàng giờ, gắn với công việc cụ thể, trở thành nét văn hóa trong đời sống của mỗi cán bộ, đảng viên.