Trách nhiệm người đại biểu Nhân dân

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/11, Quốc hội đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội với ông Phạm Phú Quốc (đoàn TP Hồ Chí Minh) vì không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khi ông đã có thêm quốc tịch ngoài quốc tịch Việt Nam nhưng không báo cáo.

Việc này là cần thiết, bởi vị nguyên là đại biểu của dân đã vi phạm, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và Nhân dân.
Tuy nhiên, từ vụ việc này, nhiều người lại nghĩ về những chiếc ghế trống ở Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay và trách nhiệm người ĐB của dân.
Dù dùng những lý do gì để giải thích đi chăng nữa, vẫn thấy rằng những vi phạm của ông Phạm Phú Quốc là khó chấp nhận. Ông là đại biểu (ĐB) Quốc hội, am hiểu quy định và pháp luật, hơn nữa trước đó cũng đã từng có người không được công nhận tư cách ĐB Quốc hội vì có quốc tịch thứ hai, tức là đã có "bài học" nhưng ông vẫn cố tình vi phạm. Như nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những sai phạm của ông là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong công luận và Nhân dân.
Cử tri, Nhân dân thông qua Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng bày tỏ sự không tín nhiệm và đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐB Quốc hội. Việc bãi nhiệm ông với một quy trình chặt chẽ đã thể hiện sự nghiêm khắc của Quốc hội. Tuy nhiên, việc Quốc hội có thêm một chiếc ghế trống khiến cả cử tri và các ĐB đều thấy đau xót.

Có thể nói rằng, nhiệm kỳ Quốc hội này, có những chiếc ghế trống của ĐB Quốc hội để lại nỗi tiếc thương vô hạn của cử tri như ĐB Ngô Văn Minh, Nguyễn Văn Man… Sự ra đi đột ngột của họ đã để lại một khoảng trống sâu sắc, cảm phục trong lòng cử tri và các ĐB. Nhưng ngược lại, có những chiếc ghế trống lại mang đến cảm giác đáng buồn, đáng trách, khi các vị từng là ĐB của dân ấy phải rời vị trí vì bị bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ ĐB do nguyên nhân bị khởi tố, bắt tạm giam hoặc vi phạm kỷ luật…

Từ những chiếc ghế trống khi ĐB Quốc hội vi phạm, đến mức bị kỷ luật, dính vào vòng lao lý, bị khởi tố, bắt giam hay vi phạm các quy định của người ĐB… ấy cũng đặt ra vấn đề về lựa chọn ĐB. Thời điểm này, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sắp kết thúc, các công việc chuẩn bị bầu cử ĐB Quốc hội và HĐND các cấp khóa mới đã được khởi động. Và câu hỏi làm sao chọn được người xứng đáng vào cơ quan đại diện cho dân càng trở nên đáng quan tâm hơn bao giờ hết.

Cách đây không lâu, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, nhấn mạnh đến việc kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐB Quốc hội, ĐB HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu… Đồng thời, một lưu ý cũng được nhấn mạnh là lấy tiêu chuẩn, chất lượng ĐB làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Bởi thực tế cho thấy, việc làm sao bảo đảm cơ cấu cũng là cần thiết nhưng để tránh được sự "hao hụt" về số lượng ĐB như nhiệm kỳ này, cần chọn các ứng viên hội đủ đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh. Người có trí tuệ, đạo đức, đại diện cho dân sẽ thực sự hành động theo nguyện vọng của Nhân dân, thay vì chỉ lo vun vén cá nhân, mượn danh để tư lợi việc riêng. Việc có bản lĩnh mới dám nói những điều dân gửi gắm và có trí tuệ thì mới có thể thay mặt dân quyết định những công việc quan trọng của đất nước. Hy vọng rằng, từ những bài học đã có, việc lựa chọn ĐB hội đủ đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh, chắc chắn không khiến cử tri thất vọng như những trường hợp bị bãi miễn, miễn nhiệm vừa qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần