Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Trái đắng” từ những dự án đô thị “ma”

Mai Vân - Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, dư luận dậy sóng vì nhiều dự án chưa có thủ tục pháp lý nhưng vẫn phân lô, cắt nền bán thu lợi bất chính. Tại những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai... không ít người đã đặt tiền mua nhà, đất từ các dự án đô thị này vẫn đang “ngồi trên đống lửa” và trong cảnh “tiền mất tật mang”.

 Dự án nhà liền kề bỏ hoang tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Ảnh: Doãn Thành
Nhức nhối ở Hà Nội
Anh Trần Ngọc Trung, trú tại tổ 24 phường Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm 2010, gia đình anh có đặt cọc gần 2 tỷ đồng để mua một căn biệt thự trong dự án khu đô thị (KĐT) tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội). Thời điểm đó với ý định mua đầu tư, nên sau khi được xem bản vẽ thiết kế, gia đình anh đã đặt cọc mà chưa từng đặt chân đến đất dự án. “Sau gần 10 năm, văn bản đặt cọc đã trở thành tờ giấy lộn, tôi không được thông báo để xử lý sự việc và cũng không thể liên lạc được với đơn vị phân phối đã nhận tiền cọc của tôi” - anh Trung ngậm ngùi.

Thời gian gần đây, các dự án chưa có thủ tục pháp lý vẫn được kêu gọi góp vốn, KĐT bỏ hoang xuất hiện ngày càng nhiều tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong khi các quy định của pháp luật đang tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, danh sách những người dân bị thiệt hại ngày càng kéo dài chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo kết quả giám sát mới đây của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, tại 8 quận, huyện thì có tới 211 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, chậm triển khai và chưa có biện pháp khắc phục… Nếu cộng thêm 172 dự án của các quận, huyện, thị xã còn lại, thì trên địa bàn Hà Nội có tới hơn 380 dự án đang “đắp chiếu”.

Tại TP Hà Nội, tình trạng dự án bỏ hoang và các khu đô thị “ma” đang trở thành vấn nạn, khiến dư luận bức xúc, chính quyền đau đầu để tìm giải pháp xử lý khả thi. Hàng trăm dự án bỏ hoang không triển khai thực hiện và các dự án KĐT đã được xây dựng phần thô, nhưng bị “đắp chiếu” hàng chục năm, gây thất thoát ngân sách Nhà nước, lãng phí tài nguyên, người dân nơm nớp lo âu.

Đáng quan ngại, các dự án này xuất hiện ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội từ khu vực trung tâm đến các huyện vùng ven, trong đó nổi cộm lên một số địa bàn như Mê Linh, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng... với diện tích lên tới hàng chục nghìn héc ta. Đơn cử, tại huyện Hoài Đức, dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch nằm trên địa bàn hai xã Kim Chung và Di Trạch với diện tích trên 140ha; quy mô dân số khoảng 23.000 người gồm các hạng mục chung cư, biệt thự, trung tâm thương mại, văn phòng... do Tổng Công ty CP Thương mại và xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư, bắt đầu được khởi công từ năm 2007.

Dự án này đã từng làm “dậy sóng” thị trường BĐS phía Tây Hà Nội vào giai đoạn 2007 - 2010, giá bán liền kề bị “thổi” lên đến 50 - 60 triệu đồng/m2. Đến nay sau gần 10 năm, vẫn chỉ là KĐT bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, chôn theo hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư. Người dân gọi đây là KĐT “ma”, bởi mức độ hoang vu của nó bao năm nay.

Dự án “ma” giăng bẫy khắp TP Hồ Chí Minh

Vụ việc Công ty Alibaba bán dự án “ma” và chống lệnh cưỡng chế của chính quyền một số địa phương tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… vẫn chưa hết nóng thì các dự án "ma" lại tiếp tục rầm rộ xuất hiện tại nhiều quận/huyện vùng ven TP Hồ Chí Minh.

Mới đây nhất, có thể kể đến là vụ việc hàng trăm người dân kéo tới UBND xã Đông Thạnh và Nhị Bình (huyện Hóc Môn) để báo việc mình bị lừa mua đất nền tại một dự án mang tên “Khu dân cư mở rộng Hóc Môn” tại hai xã này. Cụ thể, dự án “ma” này có 330 nền, mỗi nền có giá hơn 600 triệu đồng và đã bán hết cho người dân. Ước tính, tổng số tiền do các đối tượng lừa đảo thu của khách hàng lên đến gần 100 tỷ đồng.

Để đối phó với tình hình, UBND huyện Hóc Môn đã phải lên tiếng cảnh báo về 13 khu đất nông nghiệp bị tự ý phân lô, làm bản vẽ tổng mặt bằng rồi giới thiệu, quảng cáo, rao bán, nhận đặt cọc, kêu gọi góp vốn... trên địa bàn huyện. Các dự án "ma" này tập trung nhiều ở các xã Đông Thạnh (5 khu), Xuân Thới Thượng (4 khu), Nhị Bình (4 khu)... Đáng chú ý, trước tình trạng dự án "ma" được "cò" đất thổi giá, ông Nguyễn Văn Tài - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh đã phải ra lệnh thực hiện cắm 500 biển báo khắp các xã để cảnh báo người dân.
Đất nông nghiệp được đầu nậu thu mua và ngang nhiên phân lô bán nền trái phép tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiểu Thúy
Một trong những DN được phản ánh vẽ nhiều dự án "ma" tại TP Hồ Chí Minh là Công ty Angel Lina. Đơn vị này đã vẽ ít nhất 8 dự án "trên giấy" tại 8 khu đất khác nhau để huy động vốn của khách hàng. Hậu quả, không ít khách hàng bị lừa mất trắng tiền.

Nói về tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều dự án “ma” trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP (Horea) cho biết, dự án “ma” là cụm từ không mới đối với thị trường bất động sản phía Nam. Mặc dù đã được truyền thông và chính quyền địa phương cảnh báo nhiều lần nhưng không ít người vẫn “tự nguyện” chui đầu vào bẫy. "Có thể xuất phát từ nhu cầu chính đáng và tâm lý muốn được sở hữu nhà, đất của người dân; tâm lý hám lợi của nhà đầu tư, sẵn sàng chấp nhận mua đất chưa có pháp lý với hy vọng sau này sẽ hợp thức hóa bằng cách nào đó…" - ông Châu nhìn nhận.

Siết chặt chế tài pháp luật

Theo các chuyên gia, việc chủ đầu tư nhiều dự án lộng hành như vậy là do các quy định hiện hành của pháp luật vẫn còn lỗ hổng và cần phải siết chặt các chế tài liên quan đến vấn đề này.

Theo Luật sư Phạm Thanh Bình - Công ty Luật Bảo Ngọc, Luật Kinh doanh BĐS hiện hành chỉ điều chỉnh các hành vi kinh doanh, như đầu tư, góp vốn... là sau khi ký hợp đồng, như vậy là bỏ ngỏ giai đoạn trước khi các bên ký hợp đồng kinh doanh BĐS, tạo ra một kẽ hở cho cho kẻ xấu lợi dụng. “Trong Luật dân sự thì quy định việc đặt cọc là do các bên thỏa thuận, pháp luật không can thiệp vào số tiền đặt cọc. Việc để ngỏ như vậy nên một số Công ty quy định mức tiền đặt cọc rất cao, có những đặt cọc gần hết giá trị của sản phẩm, đây là vấn đề dễ làm người dân bị mất tiền” - luật sư Bình nói.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc phân lô, bán nền hiện nay tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các KĐT “ma”. Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, các nước trên thế giới coi việc phân lô bán nền để giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, không có điều kiện mua nhà một lần nhưng có nhu cầu về chỗ ở, còn ở Việt Nam coi việc phân lô, bán nền như một sản phẩm của thị trường BĐS. “Ngay lúc này cần cấm việc phân lô, bán nền, vì nó làm tăng việc đầu cơ đất đai dẫn đến hiệu quả sử dụng đất thấp. Dòng tiền đổ vào đất đai lớn sẽ không dành cho sản xuất, kinh doanh” - ông Đặng Hùng Võ cho hay.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Hiếu - Giảng viên Đại học Việt - Đức cho biết, Nhà nước cần phải có chế tài đánh thuế đất trống để hạn chế việc phân lô, bán nền, vì đa số người mua đất nền với hi vọng để đầu tư khi có lời thì sẽ bán sang tay. “Giải pháp để ngăn chặn tình trạng này là cần phải xây dựng một sắc lệnh về thuế đối với những dự án đất bỏ hoang, có thể tính bằng 2 - 3% giá trị đất mỗi năm, như vậy người mua sẽ chùn tay và các dự án “ma” sẽ không có cơ hội hoành hành” - ông Nguyễn Ngọc Hiếu nói.