Trái ngọt trên đất đồi gò

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tận dụng diện tích đất đồi gò lớn, huyện Chương Mỹ đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển các mô hình canh tác bưởi cho giá trị kinh tế cao. Địa phương đang nỗ lực xây dựng loại trái ngọt này thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Hơn 5 năm trước, anh Phùng Văn Hà, một nông dân chính gốc ở thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến bắt tay vào trồng bưởi Diễn. Mảnh đất đồi gò “bén duyên” cây bưởi, sau vài năm đơm hoa hoa kết trái, mang lại giá trị kinh tế rất khá. Nhưng anh Hà luôn tự nhủ, nếu không có liên kết và thương hiệu, việc tiêu thụ sản phẩm về lâu dài sẽ rất bấp bênh.

 Chăm sóc vườn bưởi tại thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến.

Năm 2018, được sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội, anh Hà đứng ra thành lập Hợp tác xã Bưởi Núi Bé. Đến nay, hợp tác xã với 10 thành viên đang canh tác bưởi trên diện tích gần 5ha với hơn 1.600 gốc bưởi. Hiện, hơn 1.000 gốc đã cho thu hoạch.

Với giá bán tại vườn khoảng 25.000 đồng/quả, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được trên dưới 1,5 tỷ đồng. Điều vui mừng là Hợp tác xã Bưởi Núi Bé đã xây dựng được chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội như Vinmart, Cleverfood, Biggreen...

Xã Nam Phương Tiến là 1 trong 7 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ đang canh tác tổng diện tích gần 600ha bưởi, chủ yếu là bưởi Diễn. Được sự hỗ trợ của các sở, ngành về kỹ thuật sản xuất, cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, hiện cho năng suất bình quân 20 tấn/ha, giá trị kinh tế đạt từ 500 - 600 triệu đồng/ha/năm; cá biệt có những hộ thu về đến 800 triệu đồng/ha/năm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân, sản phẩm bưởi của địa phương đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi Chương Mỹ”. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để loại nông sản này thâm nhập sâu rộng vào các kênh tiêu thụ.

“Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ canh tác bưởi xây dựng chuỗi liên kết để tạo ra những vùng chuyên canh, đáp ứng số lượng sản phẩm lớn với chất lượng đồng đều, phấn đấu đưa “Bưởi Chương Mỹ” thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực” – ông Đặng Viết Xuân nói.

Thực tế thời gian qua, huyện Chương Mỹ cũng đã chủ động triển khai một số giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển diện tích bưởi. Đến nay, 271 hộ nông dân đã được vay trên 2,7 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng để đầu tư, phát triển loại trái ngọt này. “Bưởi Chương Mỹ” cũng đã có mặt tại nhiều hội chợ, triển lãm giới thiệu nông sản của Hà Nội...

Dù vậy, mong muốn của nhiều nông dân là huyện Chương Mỹ cũng như các sở, ngành, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối với DN để tạo ra những chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ bưởi bền vững. Đồng thời, chú trọng đầu tư, xây dựng thí điểm, đánh giá và tiến tới nhân rộng những mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao.